Doanh nghiệp đã là công ty đại chúng có thể chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng hay không theo quy định?

Tôi có thắc mắc muốn được giải đáp như sau: Doanh nghiệp đã là công ty đại chúng có thể chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng hay không theo quy định? Doanh nghiệp có thể chào bán cổ phiếu ra công chúng thông qua các phương thức nào? Câu hỏi của anh B.H.T đến từ TP.HCM.

Doanh nghiệp có thể chào bán cổ phiếu ra công chúng thông qua các phương thức nào?

Căn cứ tại khoản 19 Điều 4 Luật Chứng khoán 2019 quy định như sau:

19. Chào bán chứng khoán ra công chúng là việc chào bán chứng khoán theo một trong các phương thức sau đây:

a) Chào bán thông qua phương tiện thông tin đại chúng;

b) Chào bán cho từ 100 nhà đầu tư trở lên, không kể nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp;

c) Chào bán cho các nhà đầu tư không xác định.

Thêm vào đó, theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Luật Chứng khoán 2019 thì:

1. Chứng khoán là tài sản, bao gồm các loại sau đây:

a) Cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ;

b) Chứng quyền, chứng quyền có bảo đảm, quyền mua cổ phần, chứng chỉ lưu ký;

c) Chứng khoán phái sinh;

d) Các loại chứng khoán khác do Chính phủ quy định.

Theo đó, chào bán cổ phiếu ra công chúng là một hình thức của chào bán chứng khoán ra công chúng.

Như vậy, doanh nghiệp có thể chào bán cổ phiếu ra công chúng thông qua các phương thức sau đây:

– Chào bán thông qua phương tiện thông tin đại chúng;

– Chào bán cho từ 100 nhà đầu tư trở lên, không kể nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp;

– Chào bán cho các nhà đầu tư không xác định.

Có những hình thức chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng nào theo quy định?

Căn cứ tại khoản 1 Điều 10 Nghị định 155/2020/NĐ-CP về hình thức chào bán chứng khoán ra công chúng:

Hình thức chào bán chứng khoán ra công chúng

1. Chào bán chứng khoán lần đầu ra công chúng bao gồm:

a) Chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng để huy động thêm vốn cho tổ chức phát hành;

b) Chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng để trở thành công ty đại chúng thông qua thay đổi cơ cấu sở hữu nhưng không làm tăng vốn điều lệ của tổ chức phát hành;

c) Kết hợp hình thức quy định tại các điểm a, b khoản này;

d) Chào bán chứng chỉ quỹ lần đầu ra công chúng để thành lập quỹ đầu tư chứng khoán.

Như vậy, có những hình thức chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (hay còn được gọi là IPO – Initial Public Offering) cụ thể sau đây:

(i) Chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng để huy động thêm vốn cho tổ chức phát hành;

(ii) Chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng để trở thành công ty đại chúng thông qua thay đổi cơ cấu sở hữu nhưng không làm tăng vốn điều lệ của tổ chức phát hành;

(iii) Kết hợp hình thức (i) và (ii).

Doanh nghiệp đã là công ty đại chúng có thể chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng hay không theo quy định?

Căn cứ tại Điều 32 Luật Chứng khoán 2019 về công ty đại chúng như sau:

Công ty đại chúng

1. Công ty đại chúng là công ty cổ phần thuộc một trong hai trường hợp sau đây:

a) Công ty có vốn điều lệ đã góp từ 30 tỷ đồng trở lên và có tối thiểu là 10% số cổ phiếu có quyền biểu quyết do ít nhất 100 nhà đầu tư không phải là cổ đông lớn nắm giữ;

b) Công ty đã thực hiện chào bán thành công cổ phiếu lần đầu ra công chúng thông qua đăng ký với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước theo quy định tại khoản 1 Điều 16 của Luật này.

2. Công ty cổ phần quy định tại điểm a khoản 1 Điều này phải nộp hồ sơ đăng ký công ty đại chúng quy định tại khoản 1 Điều 33 của Luật này cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày công ty hoàn thành việc góp vốn và có cơ cấu cổ đông đáp ứng quy định tại điểm a khoản 1 Điều này.

3. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ đăng ký công ty đại chúng đầy đủ và hợp lệ của công ty cổ phần theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều này hoặc nhận được báo cáo kết quả hoàn thành đợt chào bán của công ty cổ phần theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều này, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có trách nhiệm xác nhận hoàn tất việc đăng ký công ty đại chúng, đồng thời công bố tên, nội dung kinh doanh và các thông tin khác liên quan đến công ty đại chúng trên phương tiện công bố thông tin của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

Theo quy định trên thì công ty đại chúng là công ty cổ phần thuộc một trong hai trường hợp sau đây:

(1) Công ty có vốn điều lệ đã góp từ 30 tỷ đồng trở lên và có tối thiểu là 10% số cổ phiếu có quyền biểu quyết do ít nhất 100 nhà đầu tư không phải là cổ đông lớn nắm giữ;

(2) Công ty đã thực hiện chào bán thành công cổ phiếu lần đầu ra công chúng thông qua đăng ký với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

Như vậy, nếu thuộc trường hợp (2), công ty đại chúng có thể chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng theo quy định.