Dịch vụ viễn thông khẩn cấp được dùng để gọi đến các cơ quan nào? Sử dụng dịch vụ viễn thông khẩn cấp có mất phí không? Doanh nghiệp viễn thông không cung cấp không thông báo cho người sử dụng dịch vụ viễn thông các số liên lạc khẩn cấp thì bị phạt bao nhiêu tiền?
Dịch vụ viễn thông khẩn cấp được dùng đến gọi để các cơ quan nào?
Theo Điều 25 Luật Viễn Thông 2023 quy định về dịch vụ viễn thông khẩn cấp như sau:
Dịch vụ viễn thông khẩn cấp
1. Dịch vụ viễn thông khẩn cấp là dịch vụ gọi đến các số dịch vụ khẩn cấp của cơ quan công an, cứu hỏa, cấp cứu.
2. Các số dịch vụ khẩn cấp được xác định trong quy hoạch kho số viễn thông và việc cung cấp dịch vụ viễn thông khẩn cấp thực hiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.
Như vậy, dịch vụ viễn thông khẩn cấp được dùng để gọi đến các số dịch vụ khẩn cấp của cơ quan công an, cứu hỏa, cấp cứu.
Dịch vụ viễn thông khẩn cấp được dùng để gọi đến các cơ quan nào? Sử dụng dịch vụ viễn thông khẩn cấp có mất phí không? (hình từ internet)
Sử dụng dịch vụ viễn thông khẩn cấp có mất phí không?
Theo khoản 3 Điều 25 Luật Viễn Thông 2023 quy định về dịch vụ viễn thông khẩn cấp như sau:
Dịch vụ viễn thông khẩn cấp
….
3. Doanh nghiệp viễn thông có trách nhiệm sau đây:
a) Thông báo cho người sử dụng dịch vụ viễn thông và đăng trong Danh bạ điện thoại công cộng các số dịch vụ khẩn cấp;
b) Bảo đảm khả năng truy nhập của người sử dụng dịch vụ viễn thông đến các số dịch vụ khẩn cấp;
c) Cung cấp miễn phí dịch vụ viễn thông khẩn cấp cho người sử dụng dịch vụ điện thoại.
Như vậy, doanh nghiệp viễn thông có trách nhiệm cung cấp miễn phí dịch vụ viễn thông khẩn cấp cho người sử dụng dịch vụ điện thoại.
Doanh nghiệp viễn thông không thông báo cho người sử dụng dịch vụ viễn thông các số liên lạc khẩn cấp thì bị phạt bao nhiêu tiền?
Theo Điều 31 Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định về vi phạm các quy định về dịch vụ viễn thông khẩn cấp và báo hỏng số thuê bao điện thoại cố định như sau:
Vi phạm các quy định về dịch vụ viễn thông khẩn cấp và báo hỏng số thuê bao điện thoại cố định
Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
1. Không bảo đảm khả năng truy nhập của người sử dụng dịch vụ viễn thông đến các số liên lạc khẩn cấp hoặc dịch vụ báo hỏng số thuê bao điện thoại cố định.
2. Không thông báo cho người sử dụng dịch vụ viễn thông, không đăng trong Danh bạ điện thoại công cộng các số liên lạc khẩn cấp.
Và theo khoản 3 Điều 4 Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định quy định về mức phạt tiền và thẩm quyền phạt tiền đối với cá nhân, tổ chức như sau:
Quy định về mức phạt tiền và thẩm quyền phạt tiền đối với cá nhân, tổ chức
…
3. Mức phạt tiền quy định từ Chương II đến Chương VII tại Nghị định này được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của tổ chức, trừ quy định tại Điều 106 Nghị định này. Trường hợp cá nhân có hành vi vi phạm như của tổ chức thì mức phạt tiền bằng 1/2 mức phạt tiền đối với tổ chức.
4. Thẩm quyền phạt tiền quy định tại Chương VIII Nghị định này là thẩm quyền phạt tiền đối với một hành vi vi phạm của tổ chức; đối với hành vi vi phạm của cá nhân, thẩm quyền phạt tiền bằng 1/2 thẩm quyền phạt tiền đối với tổ chức.
Như vậy, nếu doanh nghiệp viễn thông không thông báo cho người sử dụng dịch vụ viễn thông các số liên lạc khẩn cấp thì có thế bị xử phạt vi phạm hành chính từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng.
Lưu ý: Mức xử phạt trên áp dụng đối với tổ chức nếu cá nhân có hành vi vi phạm tương tự thì mức xử phạt bằng ½ lần tổ chức.
Điều kiện ngừng kinh doanh của doanh nghiệp viễn thông là gì?
Theo Điều 23 Luật Viễn Thông 2023 quy định về ngừng kinh doanh dịch vụ viễn thông như sau:
Ngừng kinh doanh dịch vụ viễn thông
1. Doanh nghiệp viễn thông chỉ được ngừng kinh doanh một phần hoặc toàn bộ dịch vụ viễn thông nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:
a) Có phương án bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người sử dụng dịch vụ viễn thông theo hợp đồng cung cấp và sử dụng dịch vụ viễn thông đã giao kết và của các bên có liên quan;
b) Đã thông báo cho Bộ Thông tin và Truyền thông về việc ngừng kinh doanh dịch vụ viễn thông.
2. Doanh nghiệp viễn thông nắm giữ phương tiện thiết yếu, doanh nghiệp viễn thông hoặc nhóm doanh nghiệp viễn thông có vị trí thống lĩnh thị trường đối với thị trường dịch vụ viễn thông Nhà nước quản lý, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông công ích chỉ được ngừng kinh doanh một phần hoặc toàn bộ các dịch vụ viễn thông trực tiếp liên quan đến phương tiện thiết yếu, dịch vụ viễn thông thống lĩnh thị trường, dịch vụ viễn thông công ích nếu đáp ứng các điều kiện sau đây và được Bộ Thông tin và Truyền thông chấp thuận bằng văn bản:
a) Có phương án bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người sử dụng dịch vụ viễn thông theo hợp đồng cung cấp và sử dụng dịch vụ viễn thông đã giao kết và của các bên có liên quan;
b) Trường hợp ngừng kinh doanh dịch vụ viễn thông mà không chấm dứt hoạt động thì phải bảo đảm cung cấp cho người sử dụng dịch vụ viễn thông các dịch vụ viễn thông thay thế, chuyển người sử dụng dịch vụ sang sử dụng dịch vụ viễn thông tương ứng của doanh nghiệp viễn thông khác hoặc thỏa thuận bồi thường cho người sử dụng dịch vụ;
c) Trường hợp ngừng kinh doanh dịch vụ do chấm dứt hoạt động thì phải có biện pháp bảo đảm tiếp tục duy trì việc cung cấp dịch vụ viễn thông cho người sử dụng trong phương án tổ chức lại hoặc phương án phá sản, giải thể doanh nghiệp.
…
Như vậy, doanh nghiệp viễn thông chỉ được ngừng kinh doanh một phần hoặc toàn bộ dịch vụ viễn thông nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:
– Có phương án bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người sử dụng dịch vụ viễn thông theo hợp đồng cung cấp và sử dụng dịch vụ viễn thông đã giao kết và của các bên có liên quan;
– Đã thông báo cho Bộ Thông tin và Truyền thông về việc ngừng kinh doanh dịch vụ viễn thông.