Đã có File excel 1520 công ty mua hóa đơn của công ty ‘ma’ được thành lập để bán hóa đơn theo Công văn 1328/ĐCSKT?

Tôi muốn hỏi File excel 1520 công ty mua hóa đơn của công ty “ma” được thành lập để bán hóa đơn theo Công văn 1328/ĐCSKT? – Câu hỏi của chị N.L.T (Biên Hòa).

Đã có File excel 1520 công ty mua hóa đơn của công ty “ma” được thành lập để bán hóa đơn theo Công văn 1328/ĐCSKT?

Vừa qua, cơ quan CSĐT Công an quận Tân Phú đã có Công văn 1328/ĐCSKT năm 2024.

Theo nội dung công văn, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Phú Thọ cung cấp danh sách 1520 doanh nghiệp tại địa bàn quận Tân Phú mua hóa đơn của các công ty “ma” được thành lập để bán hóa đơn.

Theo đó, qua nghiên cứu nội dung ủy thác điều tra, Cơ quan CSĐT Công an quận Tân Phú nhận thấy: Trong tổng số 1520 doanh nghiệp trên địa bàn mua hóa đơn để hợp thức hóa đầu vào nhằm mục đích “trốn thuế”, có khoảng 1386 doanh nghiệp (số thứ tự từ 135 đến 1520 theo danh sách kèm theo) chưa đủ yếu tố cấu thành của tội trốn thuế theo Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017.

Theo đó, cơ quan CSĐT Công an quận Tân Phú chuyển thông tin và đề nghị Chi cục thuế quận Tân Phú áp dụng các biện pháp nghiệp vụ về thuế để thực hiện kiểm tra, thanh tra việc chấp hành pháp luật thuế kết hợp với việc kiểm tra, thanh tra việc phát hành, quản lý sử dụng hóa đơn, qua đó thu thập tài liệu để xác định có hay không dấu hiệu của hành vi trốn thuế, mua bán hóa đơn trái phép để xử lý theo quy định hiện hành.

Khung hình phạt đối với tội trốn thuế theo Bộ luật Hình sự như thế nào?

Căn cứ theo quy định tại Điều 200 Bộ luật Hình sự 2015 (được sửa đổi bởi khoản 47 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017), mức phạt đối với tội Trốn thuế như sau:

(1) Cá nhân phạm tội:

Khung 1: Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm đối với các trường hợp:

– Thực hiện một trong các hành vi tại khoản 1 Điều 200 Bộ luật Hình sự 2015 mà trốn thuế với số tiền từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi trốn thuế hoặc đã bị kết án về tội này.

Hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 188, 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196, 202, 250, 251, 253, 254, 304, 305, 306, 309 và 311 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017), chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

Khung 2: Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 1.500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 03 năm:

– Có tổ chức;

– Số tiền trốn thuế từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;

– Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

– Phạm tội 02 lần trở lên;

– Tái phạm nguy hiểm.

Khung 3: Phạm tội trốn thuế với số tiền 1.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 1.500.000.000 đồng đến 4.500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

Hình phạt bổ sung: Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

(2) Pháp nhân thương mại phạm tội:

– Thực hiện một trong các hành vi quy định tại khoản 1 Điều 200 Bộ luật Hình sự 2015 trốn thuế với số tiền từ 200.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc từ 100.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi trốn thuế hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 188, 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195 và 196 Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng;

– Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, d và đ khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;

– Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 10.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;

– Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;

– Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.

Ai được phép thu thập thông tin về hành vi trốn thuế ?

Theo quy định tại Điều 121 Luật Quản lý thuế 2019 như sau:

Thu thập thông tin liên quan đến hành vi trốn thuế

1. Thủ trưởng cơ quan quản lý thuế có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thông tin liên quan đến hành vi trốn thuế cung cấp thông tin bằng văn bản hoặc trả lời trực tiếp.

2. Trong trường hợp yêu cầu cung cấp thông tin bằng văn bản thì cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm cung cấp thông tin đúng nội dung, thời hạn, địa chỉ được yêu cầu và chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của thông tin đã cung cấp; trường hợp không thể cung cấp được thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

3. Trong trường hợp yêu cầu cung cấp thông tin bằng trả lời trực tiếp thì người được yêu cầu cung cấp thông tin phải có mặt đúng thời gian, địa điểm ghi trong văn bản để cung cấp thông tin theo nội dung được yêu cầu và chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của thông tin đã cung cấp; trường hợp không thể có mặt thì việc cung cấp thông tin được thực hiện bằng văn bản.

Trong quá trình thu thập thông tin bằng trả lời trực tiếp, các thành viên của đoàn thanh tra phải lập biên bản làm việc và được ghi âm, ghi hình công khai.

Theo đó, người có thẩm quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thông tin liên quan đến hành vi trốn thuế phải cung cấp thông tin bằng văn bản hoặc trả lời trực tiếp là thủ trưởng cơ quan quản lý thuế.