Công ty đầu tư chứng khoán đại chúng có được quyền tự quản lý vốn đầu tư của công ty mình không?

Tôi có một câu hỏi liên quan đến công ty đầu tư chứng khoán đại chúng như sau: Công ty đầu tư chứng khoán đại chúng có được quyền tự quản lý vốn đầu tư của công ty mình không? Công ty đầu tư chứng khoán đại chúng phải có tối thiểu bao nhiêu cổ đông? Tôi rất mong mình có thể nhận được câu trả lời trong thời gian sớm nhất có thể. Câu hỏi của chị N.T.P ở Đồng Nai.

Công ty đầu tư chứng khoán đại chúng có được quyền tự quản lý vốn đầu tư của công ty mình không?

Việc công ty đầu tư chứng khoán đại chúng có được quyền tự quản lý vốn đầu tư của công ty mình không, theo quy định tại khoản 1 Điều 259 Nghị định 155/2020/NĐ-CP như sau:

Điều kiện cấp giấy phép thành lập và hoạt động của công ty đầu tư chứng khoán

1. Điều kiện về vốn bao gồm:

a) Vốn điều lệ thực góp tối thiểu là 50 tỷ đồng. Công ty đầu tư chứng khoán đại chúng phải ủy thác vốn cho một công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán quản lý. Công ty đầu tư chứng khoán riêng lẻ được tự quản lý vốn đầu tư hoặc ủy thác vốn cho một công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán quản lý;

b) Toàn bộ tài sản công ty đầu tư chứng khoán đại chúng phải được lưu ký tại ngân hàng giám sát.

Theo quy định trên, công ty đầu tư chứng khoán đại chúng phải ủy thác vốn cho một công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán quản lý.

Do đó công ty đầu tư chứng khoán đại chúng không được tự quản lý vốn đầu tư của mình.

Và toàn bộ tài sản công ty đầu tư chứng khoán đại chúng phải được lưu ký tại ngân hàng giám sát.

Công ty đầu tư chứng khoán đại chúng phải có tối thiểu bao nhiêu cổ đông?

Số lượng cổ đông tối thiểu của công ty đầu tư chứng khoán đại chúng được quy định tại khoản 4 Điều 259 Nghị định 155/2020/NĐ-CP như sau:

Điều kiện cấp giấy phép thành lập và hoạt động của công ty đầu tư chứng khoán

4. Điều kiện về cổ đông bao gồm:

a) Công ty đầu tư chứng khoán đại chúng có tối thiểu 100 cổ đông không phải là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp;

b) Công ty đầu tư chứng khoán riêng lẻ có tối đa 99 cổ đông. Trong đó, cổ đông là tổ chức phải góp tối thiểu là 03 tỷ đồng và cổ đông là cá nhân phải góp tối thiểu 01 tỷ đồng. Trường hợp tự quản lý, cổ đông trong nước phải là tổ chức do cơ quan quản lý chuyên ngành về chứng khoán, ngân hàng, bảo hiểm cấp phép thành lập hoặc là thành viên Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó giám đốc) của công ty dự kiến thành lập.

Theo đó, công ty đầu tư chứng khoán đại chúng có tối thiểu 100 cổ đông không phải là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp;

Khi muốn tăng vốn điều lệ thì công ty đầu tư chứng khoán phải đáp ứng điều kiện gì?

Điều kiện tăng vốn điều lệ của công ty đầu tư chứng khoán được quy định tại Điều 262 Nghị định 155/2020/NĐ-CP như sau:

Điều kiện tăng, giảm vốn điều lệ công ty đầu tư chứng khoán

1. Được Đại hội đồng cổ đông thông qua việc giảm vốn, chào bán để tăng vốn; phương án chào bán để tăng vốn hoặc phương án giảm vốn.

2. Trường hợp giảm vốn điều lệ, công ty phải bảo đảm vốn điều lệ sau khi điều chỉnh và giá trị tài sản ròng không thấp hơn 50 tỷ đồng.

3. Trường hợp tăng vốn điều lệ thông qua việc phát hành cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu, phát hành cổ phiếu để trả cổ tức, công ty phải có đủ nguồn tài chính từ thặng dư vốn cổ phần, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại báo cáo tài chính kỳ gần nhất đã kiểm toán hoặc soát xét.

4. Trường hợp tăng vốn bằng hình thức chào bán, phát hành, công ty phải tuân thủ các quy định về chào bán cổ phiếu ra công chúng (đối với công ty đầu tư chứng khoán đại chúng), chào bán riêng lẻ (đối với công ty đầu tư chứng khoán riêng lẻ) và phát hành cho cổ đông hiện hữu.

5. Có tối đa 99 cổ đông, trong đó, cổ đông là tổ chức phải góp tối thiểu là 03 tỷ đồng và cổ đông là cá nhân phải góp tối thiểu 01 tỷ đồng đối với công ty đầu tư chứng khoán riêng lẻ.

Như vậy, để muốn tăng vốn điều lệ thì công ty đầu tư chứng khoán phải đáp ứng những điều kiện sau:

(1) Được Đại hội đồng cổ đông thông qua việc chào bán để tăng vốn; phương án chào bán để tăng vốn.

(2) Trường hợp tăng vốn điều lệ thông qua việc phát hành cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu, phát hành cổ phiếu để trả cổ tức, công ty phải có đủ nguồn tài chính từ thặng dư vốn cổ phần, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại báo cáo tài chính kỳ gần nhất đã kiểm toán hoặc soát xét.

(3) Trường hợp tăng vốn bằng hình thức chào bán, phát hành, công ty phải tuân thủ các quy định về chào bán cổ phiếu ra công chúng và phát hành cho cổ đông hiện hữu.