Chi phí sửa chữa tài sản cố định thuê tài chính có được ghi nhận vào chi phí kinh doanh hay không?

Chi phí sửa chữa tài sản cố định thuê tài chính có được ghi nhận vào chi phí kinh doanh hay không?

Sửa chữa tài sản cố định là gì? Chi phí sửa chữa tài sản cố định thuê tài chính thì có được ghi nhận vào chi phí kinh doanh hay không? Nguyên giá tài sản cố định thuê tài chính được xác định như thế nào?

Sửa chữa tài sản cố định là gì?

Sửa chữa tài sản cố định được giải thích tại Điều 2 Thông tư 45/2013/TT-BTC như sau:

Các từ ngữ sử dụng trong Thông tư này được hiểu như sau:

12. Giá trị còn lại của tài sản cố định: là hiệu số giữa nguyên giá của TSCĐ và số khấu hao luỹ kế (hoặc giá trị hao mòn luỹ kế) của TSCĐ tính đến thời điểm báo cáo.

13. Sửa chữa tài sản cố định: là việc duy tu, bảo dưỡng, thay thế sửa chữa những hư hỏng phát sinh trong quá trình hoạt động nhằm khôi phục lại năng lực hoạt động theo trạng thái hoạt động tiêu chuẩn ban đầu của tài sản cố định.

14. Nâng cấp tài sản cố định: là hoạt động cải tạo, xây lắp, trang bị bổ sung thêm cho TSCĐ nhằm nâng cao công suất, chất lượng sản phẩm, tính năng tác dụng của TSCĐ so với mức ban đầu hoặc kéo dài thời gian sử dụng của TSCĐ; đưa vào áp dụng quy trình công nghệ sản xuất mới làm giảm chi phí hoạt động của TSCĐ so với trước.

Theo đó, sửa chữa tài sản cố định là việc duy tu, bảo dưỡng, thay thế sửa chữa những hư hỏng phát sinh trong quá trình hoạt động nhằm khôi phục lại năng lực hoạt động theo trạng thái hoạt động tiêu chuẩn ban đầu của tài sản cố định.

Chi phí sửa chữa tài sản cố định thuê tài chính có được ghi nhận vào chi phí kinh doanh không?

Chi phí sửa chữa tài sản cố định thuê tài chính được quy định tại Điều 8 Thông tư 45/2013/TT-BTC như sau:

Cho thuê, cầm cố, thế chấp, nhượng bán, thanh lý TSCĐ:

1. Mọi hoạt động cho thuê, cầm cố, thế chấp, nhượng bán, thanh lý tài sản cố định phải theo đúng các quy định của pháp luật hiện hành.

2. Đối với tài sản cố định đi thuê:

a) TSCĐ thuê hoạt động:

– Doanh nghiệp đi thuê phải có trách nhiệm quản lý, sử dụng TSCĐ theo các quy định trong hợp đồng thuê. Chi phí thuê TSCĐ được hạch toán vào chi phí kinh doanh trong kỳ.

– Doanh nghiệp cho thuê, với tư cách là chủ sở hữu, phải theo dõi, quản lý TSCĐ cho thuê.

b) Đối với TSCĐ thuê tài chính:

– Doanh nghiệp đi thuê phải theo dõi, quản lý, sử dụng tài sản cố định đi thuê như tài sản cố định thuộc sở hữu của doanh nghiệp và phải thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ đã cam kết trong hợp đồng thuê tài sản cố định.

– Doanh nghiệp cho thuê, với tư cách là chủ đầu tư, phải theo dõi và thực hiện đúng các quy định trong hợp đồng cho thuê tài sản cố định.

c) Trường hợp trong hợp đồng thuê tài sản (bao gồm cả thuê hoạt động và thuê tài chính) quy định bên đi thuê có trách nhiệm sửa chữa tài sản trong thời gian thuê thì chi phí sửa chữa TSCĐ đi thuê được phép hạch toán vào chi phí hoặc phân bổ dần vào chi phí kinh doanh nhưng thời gian tối đa không quá 3 năm.

Quy định trên có đề cập, trường hợp trong hợp đồng thuê tài sản (bao gồm cả thuê hoạt động và thuê tài chính) quy định bên đi thuê có trách nhiệm sửa chữa tài sản trong thời gian thuê thì chi phí sửa chữa TSCĐ đi thuê được phép hạch toán vào chi phí hoặc phân bổ dần vào chi phí kinh doanh nhưng thời gian tối đa không quá 3 năm.

Như vậy, nếu trong hợp đồng thuê tài sản có quy định về trách nhiệm sửa chữa tài sản thì chi phí sửa chữa tài sản cố định thuê tài chính sẽ được hạch toán vào chi phí hoặc phân bổ dần vào chi phí kinh doanh.

Tuy nhiên, cần lưu ý là thời gian hoạch toán không được quá 3 năm.

Nguyên giá tài sản cố định thuê tài chính được xác định thế nào?

Theo quy định tại khoản 3 Điều 2 Thông tư 45/2013/TT-BTC thì tài sản cố định thuê tài chính được hiểu là những tài sản cố định mà doanh nghiệp thuê của công ty cho thuê tài chính.

Khi kết thúc thời hạn thuê, bên thuê được quyền lựa chọn mua lại tài sản thuê hoặc tiếp tục thuê theo các điều kiện đã thỏa thuận trong hợp đồng thuê tài chính. Tổng số tiền thuê một loại tài sản quy định tại hợp đồng thuê tài chính ít nhất phải tương đương với giá trị của tài sản đó tại thời điểm ký hợp đồng.

Mọi tài sản cố định đi thuê nếu không thoả mãn các quy định nêu trên được coi là tài sản cố định thuê hoạt động.

Đồng thời, căn cứ khoản 4 Điều 4 Thông tư 45/2013/TT-BTC quy định:

Xác định nguyên giá của tài sản cố định:

3. Tài sản cố định thuê tài chính:

Nguyên giá TSCĐ thuê tài chính phản ánh ở đơn vị thuê là giá trị của tài sản thuê tại thời điểm khởi đầu thuê tài sản cộng (+) với các chi phí trực tiếp phát sinh ban đầu liên quan đến hoạt động thuê tài chính.

Theo đó, nguyên giá tài sản cố định thuê tài chính của doanh nghiệp được tính theo công thức sau đây:

Nguyên giá TSCĐ thuê tài chính

=

giá trị của tài sản thuê tại thời điểm khởi đầu thuê tài sản

+

chi phí trực tiếp phát sinh ban đầu liên quan đến hoạt động thuê tài chính