Cách tính khấu hao tài sản cố định đã qua sử dụng

1. Công thức tính khấu hao tài sản cố định:

a. Các phương pháp tính khấu hao tài sản cố định

Hiện nay, theo các chế độ kế toán hiện hành, có 3 phương pháp tính khấu hao TSCĐ đó là:

  • Tính khấu hao TSCĐ theo phương pháp đường thẳng
  • Tính khấu hao TSCĐ theo phương pháp số dư giảm dần (Khấu hao nhanh)
  • Tính khấu hao TSCĐ theo sản lượng

Tùy vào loại tài sản, mục đích kinh doanh của doanh nghiệp, doanh nghiệp được lựa chọn và đăng ký phương pháp trích khấu hao. Hiện nay, đa số các doanh nghiệp đều áp dụng phương pháp khấu hao theo đường thẳng.

Đối với tài sản cố định đã qua sử dụng khi doanh nghiệp mua về, đầu tiên, doanh nghiệp phải đăng ký phương pháp trích khấu hao với chi cục thuế.

 Hiện nay, đa số các doanh nghiệp đều áp dụng phương pháp khấu hao tài sản cố định theo đường thẳng. Nên bài viết dưới đây, Kế toán Việt Hưng sẽ hướng dẫn các bạn xác định khấu hao theo phương pháp đường thẳng.

b. Công thức tính khấu hao tài sản cố định theo phương pháp đường thẳng

Mức trích khấu hao hàng năm = Nguyên giá của TSCĐ/ Thời gian trích khấu hao 

2. Xác định nguyên giá tài sản cố định

Nguyên giá tài sản cố định = Giá mua thực tế + Các khoản thuế + các chi phí liên quan 

Trong đó: Giá mua thực tế là giá ghi trên hóa đơn không bao gồm thuế GTGT

Các chi phí liên quan gồm: chi phí vận chuyển, chi phí định giá, chi phí chạy thử….

Ví dụ: Công ty kế toán Việt Hưng mua 1 ô tô cũ, giá trị ghi trên hóa đơn là: 800 triệu, thuế GTGT 10%. Lệ phí trước bạ phải nộp 16 triệu.

Tổng nguyên giá ô tô này là: 800 + 16 = 816 (triệu) 

3. Thời gian trích khấu hao tài sản cố định đã qua sử dụng:

– Thời gian trích khấu hao TSCĐ đã qua sử dụng được tính như sau:

Thời gian trích khấu hao của TSCĐ = (Giá trị hợp lý của TSCĐ/Giá bán của TSCĐ cùng loại mới 100% (hoặc của TSCĐ tương đương trên thị trường)) x Thời gian trích khấu hao của TSCĐ mới cùng loại xác định theo Phụ lục 1 (ban hành kèm theo Thông tư 45)

Trong đó:

– Giá trị hợp lý của tài sản cố định: Là giá mua thực tế, hoặc giá trị còn lại của Tài sản cố định hoặc giá trị theo đánh giá của tổ chức có chức năng thẩm định giá và các trường hợp khác.

– Thời gian trích khấu hao tài sản cố định mới cùng loại: theo quy định tại Thông tư 45/2013/TT-BTC 

Ví dụ: Cách tính khấu hao của ô tô cũ trong ví dụ trên như sau:

– Giá trị hợp lý của ô tô cũ là 800 triệu

– Giá bán của ô tô mới cùng loại là: 1,6 tỷ

– Thời gian trích khấu hao của ô tô là: từ 6 – 10 năm (công ty lựa chọn 6 năm).

=> Thời gian trích khấu hao = (800.000.000 / 1.600.000.000) x 6 = 3 năm

=> Mức trích khấu hao hàng năm =  (Nguyên giá / thời gian trích khấu hao) = 816.000.000/ 3 năm = 272.000.000 triệu/năm

4. Cách hạch toán khấu hao tài sản cố định đã qua sử dụng

Nợ TK 154, 641, 642

   Có TK 214

Trước khi trích khấu hao TSCĐ, DN phải đăng ký phương pháp trích khấu hao TSCĐ với chi cục thuế quản lý.