Các sự kiện phát sinh sau ngày kết thúc kỳ kế toán năm là gì? Có những loại sự kiện phát sinh sau ngày kết thúc kỳ kế toán năm nào?

Tôi có thắc mắc muốn được giải đáp như sau các sự kiện phát sinh sau ngày kết thúc kỳ kế toán năm là gì? Có những loại sự kiện phát sinh sau ngày kết thúc kỳ kế toán năm nào? Câu hỏi của anh H.P.Q đến từ TP.HCM.

Các sự kiện phát sinh sau ngày kết thúc kỳ kế toán năm là gì? Có những loại sự kiện phát sinh sau ngày kết thúc kỳ kế toán năm nào?

Tại Mục 03 Chuẩn mực số 23 ban hành và công bố theo Quyết định 12/2005/QĐ-BTC thì:

Các sự kiện phát sinh sau ngày kết thúc kỳ kế toán năm: Là những sự kiện có ảnh hưởng tích cực hoặc tiêu cực đến báo cáo tài chính đã phát sinh trong khoảng thời gian từ sau ngày kết thúc kỳ kế toán năm đến ngày phát hành báo cáo tài chính.

Có hai loại sự kiện phát sinh sau ngày kết thúc kỳ kế toán năm:

– Các sự kiện phát sinh sau ngày kết thúc kỳ kế toán năm cần điều chỉnh: Là những sự kiện phát sinh sau ngày kết thúc kỳ kế toán năm cung cấp bằng chứng về các sự việc đã tồn tại trong năm tài chính cần phải điều chỉnh trước khi lập báo cáo tài chính.

– Các sự kiện phát sinh sau ngày kết thúc kỳ kế toán năm không cần điều chỉnh: Là những sự kiện phát sinh sau ngày kết thúc kỳ kế toán năm cung cấp bằng chứng về các sự việc đã tồn tại trong năm tài chính nhưng không phải điều chỉnh trước khi lập báo cáo tài chính.

Ngày phát hành báo cáo tài chính: Là ngày, tháng, năm ghi trên báo cáo tài chính mà Giám đốc (hoặc người được ủy quyền) của đơn vị kế toán ký duyệt báo cáo tài chính để gửi ra bên ngoài doanh nghiệp.

Ngoài ra, các sự kiện phát sinh sau ngày kết thúc kỳ kế toán năm bao gồm tất cả các sự kiện phát sinh đến ngày phát hành báo cáo tài chính.

Cách ghi nhận và xác định các sự kiện phát sinh sau ngày kết thúc kỳ kế toán năm cần điều chỉnh như thế nào?

Tại Mục 06, 08 Chuẩn mực số 23 ban hành và công bố theo Quyết định 12/2005/QĐ-BTC:

Cách ghi nhận và xác định các sự kiện phát sinh sau ngày kết thúc kỳ kế toán năm cần điều chỉnh, cụ thể như sau:

(1) Doanh nghiệp phải điều chỉnh các số liệu đã được ghi nhận trong báo cáo tài chính để phản ánh các sự kiện phát sinh sau ngày kết thúc kỳ kế toán năm cần điều chỉnh.

(2) Ví dụ về các sự kiện phát sinh sau ngày kết thúc kỳ kế toán năm cần điều chỉnh đòi hỏi doanh nghiệp phải điều chỉnh các số liệu đã ghi nhận trong Bảng cân đối kế toán hoặc ghi nhận những khoản mục mà trước đó chưa được ghi nhận, gồm:

– Kết luận của Tòa án sau ngày kết thúc kỳ kế toán năm, xác nhận doanh nghiệp có những nghĩa vụ hiện tại vào ngày kết thúc kỳ kế toán năm, đòi hỏi doanh nghiệp điều chỉnh khoản dự phòng đã được ghi nhận từ trước; ghi nhận những khoản dự phòng mới hoặc ghi nhận những khoản nợ phải thu, nợ phải trả mới.

– Thông tin nhận được sau ngày kết thúc kỳ kế toán năm cung cấp bằng chứng về một tài sản bị tổn thất trong kỳ kế toán năm, hoặc giá trị của khoản tổn thất được ghi nhận từ trước đối với tài sản này cần phải điều chỉnh, ví dụ như:

+ Khách hàng bị phá sản sau ngày kết thúc kỳ kế toán năm đã chứng minh khoản phải thu của khách hàng trên Bảng cân đối kế toán cần phải điều chỉnh thành khoản lỗ trong năm.

+ Hàng tồn kho được bán sau ngày kết thúc kỳ kế toán năm cung cấp bằng chứng về giá trị thuần có thể thực hiện được vào ngày kết thúc kỳ kế toán năm của hàng tồn kho.

– Việc xác nhận sau ngày kết thúc kỳ kế toán năm về giá gốc của tài sản đã mua hoặc số tiền thu được từ việc bán tài sản trong kỳ kế toán năm.

– Việc phát hiện những gian lận và sai sót chỉ ra rằng báo cáo tài chính không được chính xác.

Các sự kiện phát sinh sau ngày kết thúc kỳ kế toán năm không cần điều chỉnh nào cần phải trình bày trên báo cáo tài chính?

Tại Mục 20 Chuẩn mực số 23 ban hành và công bố theo Quyết định 12/2005/QĐ-BTC thì:

Các sự kiện phát sinh sau ngày kết thúc kỳ kế toán năm không cần điều chỉnh cần phải trình bày trên báo cáo tài chính, như:

– Việc hợp nhất kinh doanh theo quy định của Chuẩn mực kế toán “Hợp nhất kinh doanh” hoặc việc thanh lý công ty con của tập đoàn;

– Việc công bố kế hoạch ngừng hoạt động, việc thanh lý tài sản hoặc thanh toán các khoản nợ liên quan đến ngừng hoạt động; hoặc việc tham gia vào một hợp đồng ràng buộc để bán tài sản hoặc thanh toán các khoản nợ;

– Mua sắm hoặc thanh lý tài sản có giá trị lớn;

– Nhà xưởng sản xuất bị phá hủy vì hỏa hoạn, bão lụt;

– Thực hiện tái cơ cấu chủ yếu;

– Các giao dịch chủ yếu và tiềm năng của cổ phiếu thường;

– Thay đổi bất thường, quan trọng về giá bán tài sản hoặc tỷ giá hối đoái.

– Thay đổi về thuế có ảnh hưởng quan trọng đến tài sản, nợ thuế hiện hành hoặc thuế hoãn lại;

– Tham gia những cam kết, thỏa thuận quan trọng hoặc những khoản nợ tiềm tàng;

– Xuất hiện những vụ kiện tụng lớn.