Báo cáo tài chính giữa niên độ của doanh nghiệp nhà nước có phải được kiểm toán độc lập hay không?
Tôi có thắc mắc muốn được giải đáp như sau báo cáo tài chính giữa niên độ của doanh nghiệp nhà nước có phải được kiểm toán độc lập hay không? Thế nào là báo cáo tài chính giữa niên độ? Báo cáo tài chính tóm lược giữa niên độ gồm những tài liệu nào? Câu hỏi của anh B.P.H đến từ TP.HCM.
Thế nào là báo cáo tài chính giữa niên độ? Báo cáo tài chính tóm lược giữa niên độ gồm những tài liệu nào?
Thế nào là báo cáo tài chính giữa niên độ?
Theo Chuẩn mực số 27 thuộc Hệ thống chuẩn mực kế toán Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định 12/2005/QĐ-BTC năm 2005 giải thích về báo cáo tài chính giữa niên độ như sau:
Báo cáo tài chính giữa niên độ được hiểu là báo cáo tài chính gồm các báo cáo đầy đủ theo quy định trong Chuẩn mực kế toán số 21 “Trình bày báo cáo tài chính” hoặc các báo cáo tài chính tóm lược quy định trong Chuẩn mực này cho một kỳ kế toán giữa niên độ.
Báo cáo tài chính tóm lược giữa niên độ gồm những tài liệu nào?
Theo Chuẩn mực số 27 thuộc Hệ thống chuẩn mực kế toán Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định 12/2005/QĐ-BTC năm 2005 thì báo cáo tài chính tóm lược giữa niên độ bao gồm:
– Bảng cân đối kế toán tóm lược;
– Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh tóm lược;
– Báo cáo lưu chuyển tiền tệ tóm lược; và
– Bản Thuyết minh báo cáo tài chính chọn lọc.
Báo cáo tài chính giữa niên độ của doanh nghiệp nhà nước có phải được kiểm toán độc lập hay không?
Trước đây, điểm d khoản 1 Điều 109 Luật Doanh nghiệp 2020 có quy định:
Công bố thông tin định kỳ
1. Công ty phải công bố định kỳ trên trang thông tin điện tử của công ty và của cơ quan đại diện chủ sở hữu những thông tin sau đây:
…
d) Báo cáo và tóm tắt báo cáo tài chính giữa năm đã được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán độc lập; thời hạn công bố phải trước ngày 31 tháng 7 hằng năm; bao gồm cả báo cáo tài chính của công ty mẹ và báo cáo tài chính hợp nhất (nếu có);
…
Theo quy định này thì Báo cáo tài chính giữa niên độ của doanh nghiệp nhà nước phải được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán độc lập.
Tuy nhiên, hiện tại điểm d khoản 1 Điều 109 Luật Doanh nghiệp 2020 được sửa đổi bởi khoản 4 Điều 7 Luật sửa đổi Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự 2022 quy định về công bố thông tin định kỳ:
Công bố thông tin định kỳ
1. Công ty phải công bố định kỳ trên trang thông tin điện tử của công ty và của cơ quan đại diện chủ sở hữu những thông tin sau đây:
a) Thông tin cơ bản về công ty và Điều lệ công ty;
b) Mục tiêu tổng quát; mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể của kế hoạch kinh doanh hằng năm;
c) Báo cáo và tóm tắt báo cáo tài chính hằng năm đã được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán độc lập trong thời hạn 150 ngày kể từ ngày kết thúc năm tài chính; bao gồm cả báo cáo tài chính của công ty mẹ và báo cáo tài chính hợp nhất (nếu có);
d) Báo cáo và tóm tắt báo cáo tài chính giữa năm, bao gồm cả báo cáo tài chính của công ty mẹ và báo cáo tài chính hợp nhất (nếu có); việc công bố phải thực hiện trước ngày 31 tháng 7 hằng năm;
đ) Báo cáo đánh giá về kết quả thực hiện kế hoạch sản xuất, kinh doanh hằng năm;
e) Báo cáo kết quả thực hiện các nhiệm vụ công ích được giao theo kế hoạch hoặc đấu thầu (nếu có) và trách nhiệm xã hội khác;
g) Báo cáo về thực trạng quản trị, cơ cấu tổ chức công ty.
…
Như vậy, theo quy định hiện hành thì báo cáo tài chính giữa niên độ của doanh nghiệp nhà nước không bắt buộc phải được kiểm toán độc lập.
Doanh nghiệp nhà nước bị từ chối kiểm toán báo cáo tài chính có bị công bố thông tin bất thường không?
Căn cứ tại khoản 1 Điều 110 Luật Doanh nghiệp 2020 về công bố thông tin bất thường:
Công bố thông tin bất thường
1. Công ty phải công bố trên trang thông tin điện tử, ấn phẩm (nếu có) và niêm yết công khai tại trụ sở chính, địa điểm kinh doanh của công ty về các thông tin bất thường trong thời hạn 36 giờ kể từ khi xảy ra một trong các sự kiện sau đây:
a) Tài khoản của công ty bị phong tỏa hoặc được phép hoạt động trở lại sau khi bị phong tỏa;
b) Tạm ngừng một phần hoặc toàn bộ hoạt động kinh doanh; bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy phép thành lập, giấy phép thành lập và hoạt động, giấy phép hoạt động hoặc giấy phép khác liên quan đến hoạt động của công ty;
c) Sửa đổi, bổ sung nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy phép thành lập, giấy phép thành lập và hoạt động, giấy phép hoạt động hoặc giấy phép khác liên quan đến hoạt động của công ty;
d) Thay đổi thành viên Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Giám đốc, Phó giám đốc hoặc Tổng giám đốc, Phó Tổng giám đốc, Kế toán trưởng, Trưởng phòng tài chính kế toán, Trưởng Ban kiểm soát hoặc Kiểm soát viên;
đ) Có quyết định kỷ luật, khởi tố, có bản án, quyết định của Tòa án đối với người quản lý doanh nghiệp;
e) Có kết luận của cơ quan thanh tra hoặc của cơ quan quản lý thuế về việc vi phạm pháp luật của doanh nghiệp;
g) Có quyết định thay đổi tổ chức kiểm toán độc lập hoặc bị từ chối kiểm toán báo cáo tài chính;
h) Có quyết định thành lập, giải thể, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi công ty con, chi nhánh, văn phòng đại diện; quyết định đầu tư, giảm vốn hoặc thoái vốn đầu tư tại các công ty khác.
…
Như vậy, doanh nghiệp nhà nước bị từ chối kiểm toán báo cáo tài chính phải công bố thông tin bất thường theo quy định.