Bài chòi là gì? Nghệ thuật bài chòi được biểu diễn như thế nào? Sinh viên đang học ngành nghệ thuật bài chòi có được giảm học phí?

Bài chòi là gì? Nghệ thuật bài chòi được biểu diễn như thế nào? Sinh viên đang theo học nghệ thuật bài chòi có được giảm học phí hay không? Những đối tượng nào sẽ được Nhà nước hỗ trợ chi phí học tập?

Bài chòi là gì? Nghệ thuật bài chòi được biểu diễn như thế nào?

Hiện nay, theo quy định của pháp luật và các văn bản có liên quan không có quy định về bài chòi là gì.

Tuy nhiên, có thể hiểu bài chòi là loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo của miền Trung Việt Nam, kết hợp giữa âm nhạc, hát, kịch, và trò chơi dân gian. Nghệ thuật bài chòi là một kiểu ngồi trên chòi đánh bài, nhưng không chỉ là một trò chơi mà Bài Chòi là cả một nghệ thuật diễn xướng hát / hô của các nghệ nhân chính trong vai trò “anh hiệu” (những người quản trò).

Bài chòi thường được tổ chức vào dịp lễ hội hoặc Tết Nguyên đán ở các làng quê. Trong lễ hội bài chòi, một loạt các chòi nhỏ được dựng lên theo hình chữ nhật hoặc hình vuông. Mỗi chòi có một người chơi ngồi và một người hô bài và người chơi sẽ chọn một lá bài ngẫu nhiên, sau đó anh/chị hiệu sẽ hát hoặc hô các câu dân gian ứng với lá bài đó. Nếu trùng khớp với lá bài mà người chơi cầm, người chơi sẽ thắng và nhận được phần thưởng.

Do đó, nghệ thuật bài chòi dân gian truyền thống là một thú tiêu khiển, một hình thức vui chơi nhẹ nhàng, không nặng về ăn thua giữa các người chơi nên dễ thâm nhập sâu vào đời sống văn hóa cư dân và đã phát triển mạnh mẽ. Đây là loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo giữ vị trí và vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần của người dân khu vực miền trung.

Sinh viên đang theo học nghệ thuật bài chòi có được giảm học phí hay không?

Căn cứ theo điểm a khoản 1 Điều 16 Nghị định 81/2021/NĐ-CP quy định như sau:

Đối tượng được giảm học phí và hỗ trợ tiền đóng học phí
1. Các đối tượng được giảm 70% học phí gồm:
a) Học sinh, sinh viên học các ngành nghệ thuật truyền thống và đặc thù trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học công lập, tư thục có đào tạo về văn hóa – nghệ thuật bao gồm: Nhạc công kịch hát dân tộc, nhạc công truyền thống Huế, đờn ca tài tử Nam Bộ, diễn viên sân khấu kịch hát, nghệ thuật biểu diễn dân ca, nghệ thuật ca trù, nghệ thuật bài chòi, biểu diễn nhạc cụ truyền thống;
b) Học sinh, sinh viên học các chuyên ngành nhã nhạc cung đình, chèo, tuồng, cải lương, múa, xiếc; một số nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm đối với giáo dục nghề nghiệp theo danh mục các nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quy định;
c) Trẻ em học mẫu giáo và học sinh, sinh viên là người dân tộc thiểu số (ngoài đối tượng dân tộc thiểu số rất ít người) ở thôn/bản đặc biệt khó khăn, xã khu vực III vùng dân tộc và miền núi, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển hải đảo theo quy định của cơ quan có thẩm quyền.

Theo đó, học sinh, sinh viên đang theo học ngành nghệ thuật truyền thống và đặc thù trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học công lập, tư thục có đào tạo về văn hóa – nghệ thuật bao gồm: Nhạc công kịch hát dân tộc, nhạc công truyền thống Huế, đờn ca tài tử Nam Bộ, diễn viên sân khấu kịch hát, nghệ thuật biểu diễn dân ca, nghệ thuật ca trù, nghệ thuật bài chòi, biểu diễn nhạc cụ truyền thống thì sẽ được giảm 70% học phí.

Do đó, đối với sinh viên đang theo học ngành nghệ thuật bài chòi tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học công lập, tư thục sẽ được giảm 70% học phí.

Những đối tượng nào sẽ được Nhà nước hỗ trợ chi phí học tập?

Căn cứ theo Điều 18 Nghị định 81/2021/NĐ-CP quy định về những đối tượng sẽ được Nhà nước hỗ trợ chi phí học tập gồm:

– Trẻ em học mẫu giáo và học sinh phổ thông, học viên học tại cơ sở giáo dục thường xuyên theo chương trình giáo dục phổ thông mồ côi cả cha lẫn mẹ.

– Trẻ em học mẫu giáo và học sinh phổ thông, học viên học tại cơ sở giáo dục thường xuyên theo chương trình giáo dục phổ thông bị khuyết tật.

– Trẻ em học mẫu giáo và học sinh phổ thông học viên học tại cơ sở giáo dục thường xuyên theo chương trình giáo dục phổ thông có cha mẹ thuộc diện hộ nghèo theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.

– Trẻ em học mẫu giáo và học sinh phổ thông, học viên học tại cơ sở giáo dục thường xuyên theo chương trình giáo dục phổ thông ở thôn/bản đặc biệt khó khăn, xã khu vực III vùng dân tộc và miền núi, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển hải đảo theo quy định của cơ quan có thẩm quyền.