Có cần phải xây dựng Quy chế đánh giá mức độ hoàn thành công việc của người lao động trong doanh nghiệp hay không?

Tôi có câu hỏi muốn được giải đáp thắc mắc như sau doanh nghiệp có cần phải xây dựng Quy chế đánh giá mức độ hoàn thành công việc của người lao động hay không? Câu hỏi của anh X.X.A.Q đến từ Hải Phòng.

Doanh nghiệp có cần phải xây dựng Quy chế đánh giá mức độ hoàn thành công việc của người lao động hay không?

Căn cứ tại khoản 1 Điều 36 Bộ luật Lao động 2019 về quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người sử dụng lao động:

Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người sử dụng lao động

1. Người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong trường hợp sau đây:

a) Người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động được xác định theo tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành công việc trong quy chế của người sử dụng lao động. Quy chế đánh giá mức độ hoàn thành công việc do người sử dụng lao động ban hành nhưng phải tham khảo ý kiến tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở;

b) Người lao động bị ốm đau, tai nạn đã điều trị 12 tháng liên tục đối với người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn hoặc đã điều trị 06 tháng liên tục đối với người làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ 12 tháng đến 36 tháng hoặc quá nửa thời hạn hợp đồng lao động đối với người làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn dưới 12 tháng mà khả năng lao động chưa hồi phục.

Khi sức khỏe của người lao động bình phục thì người sử dụng lao động xem xét để tiếp tục giao kết hợp đồng lao động với người lao động;

Như vậy, có thể thấy rằng để doanh nghiệp có thể đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động đúng pháp luật thì một trong những điều kiện bắt buộc là:

Doanh nghiệp phải xác định được thế nào là người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động để có thể đánh giá người lao động một cách chính xác và để phòng ngừa nguy cơ rơi vào trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật.

Việc này phải được xác định theo tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành công việc trong quy chế của doanh nghiệp.

Do đó, mặc dù luật không bắt buộc doanh nghiệp phải lập quy chế đánh giá người lao động nhưng doanh nghiệp nên xây dựng Quy chế đánh giá mức độ hoàn thành công việc của người lao động để:

– Có cơ sở đánh giá người lao động;

– Thực hiện quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đúng pháp luật.

Lưu ý: Quy chế đánh giá mức độ hoàn thành công việc do người sử dụng lao động ban hành nhưng phải tham khảo ý kiến tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở

Khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc doanh nghiệp có cần thông báo trước không?

Căn cứ tại khoản 2 Điều 36 Bộ luật Lao động 2019 về quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người sử dụng lao động:

Theo đó, khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong trường hợp người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động, doanh nghiệp phải báo trước cho người lao động như sau:

– Ít nhất 45 ngày đối với hợp đồng lao động không xác định thời hạn;

– Ít nhất 30 ngày đối với hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ 12 tháng đến 36 tháng;

– Ít nhất 03 ngày làm việc đối với hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn dưới 12 tháng và đối với trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều này;

– Đối với một số ngành, nghề, công việc đặc thù thì thời hạn báo trước được thực hiện theo quy định của Chính phủ.

Doanh nghiệp sử dụng Quy chế đánh giá mức độ hoàn thành công việc nhưng không tham khảo ý kiến tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở bị phạt bao nhiêu tiền?

Căn cứ tại khoản 3 Điều 12 Nghị định 12/2022/NĐ-CP vi phạm quy định về sửa đổi, bổ sung, chấm dứt hợp đồng lao động:

Vi phạm quy định về sửa đổi, bổ sung, chấm dứt hợp đồng lao động

3. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:

a) Cho thôi việc đối với người lao động trong trường hợp thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế theo một trong các trường hợp sau: không trao đổi ý kiến trước với tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở mà người lao động là thành viên; không thông báo trước 30 ngày cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc người lao động;

b) Trong trường hợp thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế; khi chia, tách, hợp nhất, sáp nhập; bán, cho thuê, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp; chuyển nhượng quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã mà người sử dụng lao động có một trong các hành vi: không lập phương án sử dụng lao động; lập phương án sử dụng lao động nhưng không đầy đủ các nội dung chủ yếu theo quy định của pháp luật hoặc không trao đổi ý kiến với tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở khi xây dựng phương án sử dụng lao động;

c) Sử dụng quy chế đánh giá mức độ hoàn thành công việc nhưng không tham khảo ý kiến tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở.

Lưu ý: theo quy định tại khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP thì mức phạt trên là mức phạt đối với cá nhân. Mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

Như vậy, doanh nghiệp sử dụng quy chế đánh giá mức độ hoàn thành công việc nhưng không tham khảo ý kiến tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở thì có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.