Kế hoạch và chỉ tiêu triển khai Hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền năm 2024 theo hướng dẫn của Tổng Cục thuế ra sao?
Tổng cục Thuế đã tổ chức Hội nghị sơ kết triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền để đánh giá công tác chỉ đạo điều hành, công tác tổ chức thực hiện, tổng kết các khó khăn, vướng mắc qua đó đề xuất giải pháp nhằm đẩy mạnh triển khai HĐĐT khởi tạo từ MTT trên toàn quốc trong thời gian tới.
Tại Công văn 1287/TCT-DNNCN tiếp tục triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền năm 2024 do Tổng cục Thuế ban hành đã đánh giá kết quả triển khai Hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền như sau:
– Kết quả triển khai giải pháp HĐĐT khởi tạo từ MTT giai đoạn từ ngày 15/12/2022 đến hết năm 2023, có 63/63 Cục Thuế đã triển khai việc rà soát đối tượng thuộc diện triển khai HĐĐT khởi tạo từ MTT theo chỉ đạo của Tổng cục Thuế và từng Cục Thuế đã lập kế hoạch triển khai cho năm 2023. Kết quả tính đến ngày 31/12/2023 cả nước đã có 40.355 CSKD đã đăng ký sử dụng HĐĐT khởi tạo từ MTT đạt 94,36% so với kế hoạch, số lượng HĐĐT khởi tạo từ MTT sử dụng là 104,8 triệu hóa đơn – bình quân đạt 2.597 hóa đơn/CSKD (biểu chi tiết đính kèm). Kết quả triển khai về cơ bản đã đạt tốt so với kế hoạch các Cục Thuế tự xây dựng (94,36%). Tuy nhiên, nếu so sánh với số liệu quản lý trên cơ sở dữ liệu đăng ký thuế trên hệ thống TMS thì tỷ lệ triển khai đạt thấp.
– Có 57/63 Cục Thuế đạt, vượt chỉ tiêu phấn đấu 70% do Tổng cục Thuế giao trên kế hoạch do từng Cục Thuế xây dựng cho năm 2023, có 06 Cục Thuế chưa đạt kế hoạch triển khai trong năm 2023, bao gồm: Bắc Kạn (0,2%), Bến Tre (6,9%), Quảng Nam (47,3%), Điện Biên (52,5%), Bình Dương (54,1%), An Giang (67,8%). Một số Cục Thuế đã đạt chỉ tiêu phấn đấu theo kế hoạch nhưng xét tỷ lệ so với đăng ký thuế rất thấp như: Bình Thuận, Bắc Giang, Sơn La, Đắk Nông.
– Công tác lãnh đạo, chỉ đạo đã được thực hiện thống nhất từ các cấp Trung ương đến địa phương. Kết quả theo từng giai đoạn tăng mạnh: ở giai đoạn 1 (đến hết tháng 3/2023) kết quả rà soát để đưa vào diện triển khai chỉ là 3.901 CSKD thì kết quả rà soát của Cục Thuế đưa vào diện triển khai tính đến 31/12/2023 là 42.765 CSKD tăng gấp 11 lần; xét về số lượng HĐĐT khởi tạo từ MTT đã sử dụng ở giai đoạn 1 (đến hết tháng 3/2023) là 2,2 triệu hóa đơn thì đến 31/12/2023 là 104,8 triệu hóa đơn tăng gấp 47,6 lần. Một số Cục Thuế địa phương đạt kết quả về tổng thể tốt như: Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đồng Nai, Quảng Ninh.
– Trong tổng số 40.355 CSKD đã đăng ký sử dụng HĐĐT khởi tạo từ MTT chỉ có 18.605 CSKD đã sử dụng HĐĐT khởi tạo từ MTT chiếm 46,1%, như vậy có thể thấy tình hình sử dụng HĐĐT khởi tạo từ MTT còn hạn chế. Có 39/63 Cục Thuế có tỷ lệ trên 50% số lượng CSKD đã đăng ký nhưng không sử dụng hóa đơn, đặc biệt có 13 Cục Thuế (Bắc Kạn, Trà Vinh, Quảng Trị, Quảng Bình, Lào Cai, Cần Thơ, Lạng Sơn, Sơn La, Ninh Thuận, Yên Bái, Thanh Hóa, Nam Định, An Giang, Ninh Bình) có tỷ lệ trên 70% số lượng lượng CSKD đã đăng ký nhưng không sử dụng hóa đơn.
Theo đó, kế hoạch triển khai và chỉ tiêu phấn đấu triển khai Hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền năm 2024 như sau:
– Đối với cơ sở kinh doanh thuộc diện triển khai năm 2024 dựa trên kết quả rà soát thực tế và kinh nghiệm triển khai thời gian qua, Cục Thuế lập kế hoạch triển khai cho năm 2024 đảm bảo phấn đấu hết Quý II đạt 30%, hết Quý III đạt 50% để tiến tới mục tiêu đạt 70% vào cuối năm 2024.
– Đối với các cơ sở kinh doanh đã đăng ký áp dụng HĐĐT khởi tạo từ MTT trong năm 2023 nhưng chưa sử dụng, các Cục Thuế cần phân công nhiệm vụ cụ thể cho các bộ phận quản lý thực hiện rà soát và nắm bắt các nguyên nhân chủ quan, nguyên nhân khách quan dẫn đến việc không sử dụng HĐĐT khởi tạo từ MTT để tìm giải pháp khắc phục trong quá trình xử lý nếu gặp những khó khăn, vướng mắc thì báo cáo Tổng cục kịp thời hướng dẫn NNT thực hiện. Đảm bảo trong năm 2024, 100% cơ sở kinh doanh đã đăng ký thì phải sử dụng HĐĐT khởi tạo từ MTT.
Hóa đơn điện tử được áp dụng đối với những chủ thể nào?
Căn cứ theo quy dịnh tại Điều 91 Luật Quản lý thuế 2019 thì hóa đơn điện tử được áp dụng với các chủ thể như sau:
+ Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh thuộc trường hợp có quy mô về doanh thu, lao động đáp ứng từ mức cao nhất về tiêu chí của doanh nghiệp siêu nhỏ theo quy định pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa phải thực hiện chế độ kế toán và nộp thuế theo phương pháp kê khai và các trường hợp xác định được doanh thu khi bán hàng hóa, dịch vụ sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ.
+ Doanh nghiệp, tổ chức kinh tế sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ không phân biệt giá trị từng lần bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, trừ trường hợp quy định tại khoản 2, khoản 4 Điều 91 Luật Quản lý thuế 2019.
+ Doanh nghiệp kinh doanh ở lĩnh vực điện lực, xăng dầu, bưu chính viễn thông, nước sạch, tài chính tín dụng, bảo hiểm, y tế, kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh siêu thị, thương mại, vận tải hàng không, đường bộ, đường sắt, đường biển, đường thủy và doanh nghiệp, tổ chức kinh tế đã hoặc sẽ thực hiện giao dịch với cơ quan thuế bằng phương tiện điện tử, xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin, có hệ thống phần mềm kế toán, phần mềm lập hóa đơn điện tử đáp ứng lập, tra cứu hóa đơn điện tử, lưu trữ dữ liệu hóa đơn điện tử theo quy định và bảo đảm việc truyền dữ liệu hóa đơn điện tử đến người mua và đến cơ quan thuế thì được sử dụng hóa đơn điện tử không có mã của cơ quan thuế khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, không phân biệt giá trị từng lần bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, trừ trường hợp rủi ro về thuế cao theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính và trường hợp đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế.
+ Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh không đáp ứng điều kiện phải sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế nhưng cần có hóa đơn để giao cho khách hàng hoặc trường hợp doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, tổ chức khác được cơ quan thuế chấp nhận cấp hóa đơn điện tử để giao cho khách hàng thì được cơ quan thuế cấp hóa đơn điện tử có mã theo từng lần phát sinh và phải khai thuế, nộp thuế trước khi cơ quan thuế cấp hóa đơn điện tử theo từng lần phát sinh.
Hóa đơn điện tử được định dạng gồm những phần nào?
Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 12 Nghị định 123/2020/NĐ-CP thì định dạng hóa đơn điện tử gồm hai thành phần: thành phần chứa dữ liệu nghiệp vụ hóa đơn điện tử và thành phần chứa dữ liệu chữ ký số. Đối với hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế thì có thêm thành phần chứa dữ liệu liên quan đến mã cơ quan thuế.