Dịch vụ nông nghiệp là gì?
Dịch vụ nông nghiệp được hiểu là các hoạt động, dịch vụ hỗ trợ và cung cấp cho sản xuất nông nghiệp, nhằm nâng cao hiệu quả, năng suất và chất lượng trong ngành nông nghiệp. Các dịch vụ này không chỉ bao gồm các hoạt động trực tiếp liên quan đến sản xuất cây trồng và chăn nuôi, mà còn bao gồm nhiều lĩnh vực khác nhau hỗ trợ cho nông dân.
Một số loại dịch vụ nông nghiệp bao gồm:
– Dịch vụ cung cấp giống: Cung cấp giống cây trồng, con giống có chất lượng cho nông dân.
– Dịch vụ tư vấn kỹ thuật: Hướng dẫn và tư vấn về kỹ thuật canh tác, chăm sóc cây trồng, vật nuôi.
– Dịch vụ bảo vệ thực vật: Cung cấp thuốc bảo vệ thực vật, thông tin về phòng trừ sâu bệnh.
– Dịch vụ thu hoạch và chế biến: Hỗ trợ nông dân trong việc thu hoạch, chế biến nông sản.
– Dịch vụ tiêu thụ sản phẩm: Giúp nông dân kết nối với thị trường tiêu thụ sản phẩm, bao gồm hệ thống phân phối và marketing.
– Dịch vụ tài chính: Cung cấp các dịch vụ tín dụng, bảo hiểm nông nghiệp để hỗ trợ tài chính cho nông dân.
– Dịch vụ nghiên cứu và phát triển: Các hoạt động nghiên cứu nhằm phát triển giống mới, công nghệ mới trong sản xuất nông nghiệp.
Dịch vụ nông nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển ngành nông nghiệp bền vững, nâng cao thu nhập cho nông dân và đảm bảo an ninh lương thực.
Hoạt động cung ứng sản phẩm, dịch vụ nông nghiệp có phải là hoạt động đặc thù của hợp tác xã nông nghiệp không?
Căn cứ Điều 3 Thông tư 06/2019/TT-BNNPTNT quy định về hoạt động đặc thù của hợp tác xã nông nghiệp như sau:
Hoạt động đặc thù của hợp tác xã nông nghiệp
1. Hoạt động đặc thù của hợp tác xã nông nghiệp quy định tại Thông tư này là những hoạt động cung ứng sản phẩm, dịch vụ nông nghiệp; đại diện ký kết hợp đồng liên kết; tham gia cung cấp dịch vụ công ích do hợp tác xã nông nghiệp thực hiện nhằm đáp ứng nhu cầu trong sản xuất, kinh doanh nông nghiệp của các thành viên và khách hàng không phải là thành viên hợp tác xã.
Căn cứ năng lực, điều kiện thực tế của hợp tác xã và nhu cầu của thị trường, hợp tác xã nông nghiệp lựa chọn và thực hiện các hoạt động đặc thù quy định tại khoản 2, 3 và 4 Điều này.
2. Tổ chức sản xuất và cung ứng tập trung các sản phẩm, dịch vụ đầu vào, đầu ra phục vụ sản xuất, kinh doanh nông nghiệp của thành viên và khách hàng không phải thành viên hợp tác xã:
a) Đào tạo, tập huấn kỹ năng quản lý hợp tác xã và khuyến nông, chuyển giao công nghệ và tiến bộ kỹ thuật;
b) Sản xuất và cung ứng vật tư nông nghiệp (phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y; giống cây trồng, vật nuôi và vật tư nông nghiệp khác); cung ứng dịch vụ (làm đất, thủy lợi, nước sạch nông thôn, bảo vệ thực vật, thú y, bảo vệ sản xuất);
…
Theo đó, hoạt động đặc thù của hợp tác xã nông nghiệp bao gồm:
– Hoạt động cung ứng sản phẩm, dịch vụ nông nghiệp;
– Đại diện ký kết hợp đồng liên kết;
– Tham gia cung cấp dịch vụ công ích do hợp tác xã nông nghiệp thực hiện.
Như vậy, hoạt động cung ứng sản phẩm, dịch vụ nông nghiệp là một trong các hoạt động đặc thù của hợp tác xã nông nghiệp theo quy định.
Trách nhiệm của hợp tác xã nông nghiệp trong tổ chức thực hiện các hoạt động đặc thù là gì?
Tại Điều 4 Thông tư 06/2019/TT-BNNPTNT có quy định cụ thể trách nhiệm của hợp tác xã nông nghiệp trong tổ chức thực hiện các hoạt động đặc thù như sau:
(1) Quy định các hoạt động đặc thù của hợp tác xã nông nghiệp vào Điều lệ của hợp tác xã.
(2) Xây dựng phương án, kế hoạch sản xuất kinh doanh đáp ứng yêu cầu sản xuất theo mùa vụ, quy mô sản xuất nông nghiệp hàng hóa, yêu cầu của thị trường, bảo đảm an toàn thực phẩm; khắc phục tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ; có giải pháp phòng chống rủi ro, thiên tai, dịch bệnh, ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường, tài nguyên, nguồn lợi tự nhiên ở địa phương.
(3) Ứng dụng và thực hiện quy trình kỹ thuật sản xuất sản phẩm an toàn phù hợp với điều kiện của hợp tác xã, quy định của pháp luật và đáp ứng yêu cầu của thị trường.
(4) Tổ chức đào tạo, tập huấn, chuyển giao công nghệ, tiến bộ kỹ thuật và khuyến nông cho cán bộ, thành viên hợp tác xã và khách hàng không phải là thành viên hợp tác xã.
(5) Hoàn thiện các thủ tục pháp lý và huy động nguồn lực đảm bảo cho việc tổ chức các hoạt động đặc thù và phương án, kế hoạch sản xuất kinh doanh của hợp tác xã.
(6) Thông tin, hướng dẫn các thành viên và tổ chức, cá nhân liên kết với hợp tác xã nông nghiệp tổ chức thực hiện có hiệu quả hợp đồng liên kết và phương án, kế hoạch sản xuất kinh doanh của hợp tác xã.
(7) Tổ chức cung ứng sản phẩm, dịch vụ đảm bảo chất lượng, giá cả cạnh tranh và tuân thủ các quy định của pháp luật.
(8) Phối hợp với tổ chức bảo hiểm nông nghiệp và các đối tác liên quan hỗ trợ thành viên hợp tác xã thực hiện các biện pháp kiểm soát rủi ro, quy trình, quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp tạo điều kiện cho việc thực hiện bảo hiểm nông nghiệp và triển khai hiệu quả chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp.
(9) Thực hiện công khai, minh bạch trong hợp tác xã về giá dịch vụ, chủng loại, đối tượng phục vụ; xây dựng quy chế quản lý, sử dụng, duy tu, bảo dưỡng tài sản Nhà nước giao theo quy định và tuân thủ các quy định của pháp luật hiện hành về cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích.