Công đoàn là gì?
Theo Điều 1 Luật Công đoàn 2012 thì công đoàn là tổ chức chính trị – xã hội rộng lớn của giai cấp công nhân và của người lao động, được thành lập trên cơ sở tự nguyện, là thành viên trong hệ thống chính trị của xã hội Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam;
Đại diện cho cán bộ, công chức, viên chức, công nhân và những người lao động khác, cùng với cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động;
Tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế – xã hội, tham gia thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp;
Tuyên truyền, vận động người lao động học tập nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, chấp hành pháp luật, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Thành lập công đoàn tại doanh nghiệp thì phải đáp ứng quy định gì?
Căn cứ Điều 5 Nghị định 98/2014/NĐ-CP Quy định thành lập tổ chức Công đoàn tại doanh nghiệp như sau:
– Doanh nghiệp có từ 5 đoàn viên công đoàn, hoặc người lao động có đơn tự nguyện gia nhập Công đoàn Việt Nam, đủ điều kiện thành lập tổ chức Công đoàn theo quy định của Luật Công đoàn và Điều lệ Công đoàn Việt Nam.
– Chậm nhất sau sáu tháng kể từ ngày doanh nghiệp được thành lập và đi vào hoạt động, công đoàn địa phương, công đoàn ngành, công đoàn khu công nghiệp, khu chế xuất phối hợp cùng doanh nghiệp thành lập tổ chức Công đoàn theo quy định của Bộ luật Lao động 2019, Luật Công đoàn 2012 và Điều lệ Công đoàn Việt Nam để đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, tập thể lao động.
– Sau thời gian trên, nếu doanh nghiệp chưa thành lập tổ chức Công đoàn, công đoàn cấp trên có quyền chỉ định Ban Chấp hành Công đoàn lâm thời của doanh nghiệp để đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, tập thể lao động.
Như vậy, muốn thành lập công đoàn tại doanh nghiệp thì phải đáp ứng quy định trên.
Trình tự, thủ tục thành lập công đoàn tại doanh nghiệp như thế nào?
Căn cứ tại Mục 12 Hướng dẫn 03/HD-TLĐ năm 2020 hướng dẫn trình tự, thủ tục thành lập Công đoàn cơ sở như sau:
Bước 1: Tổ chức Ban vận động thành lập công đoàn cơ sở
– Nơi chưa có công đoàn cơ sở người lao động là đoàn viên hoặc chưa là đoàn viên công đoàn được vận động người lao động khác gia nhập công đoàn, liên kết thành lập công đoàn cơ sở thông qua hình thức tổ chức ban vận động.
– Trong quá trình ban vận động tiến hành vận động người lao động gia nhập công đoàn, liên kết thành lập công đoàn cơ sở các thành viên ban vận động cử trưởng ban vận động và liên hệ công đoàn cấp trên gần nhất để được hướng dẫn, giúp đỡ, hỗ trợ.
– Khi có 05 người trở lên (gồm người lao động đang là đoàn viên công đoàn và người lao động có đơn gia nhập công đoàn) tự nguyện liên kết thành lập công đoàn cơ sở trưởng ban vận động liên hệ công đoàn cấp trên để được giúp đỡ công tác chuẩn bị và tổ chức đại hội thành lập công đoàn cơ sở.
Bước 2: Tổ chức đại hội thành lập công đoàn cơ sở
– Thành phần dự đại hội gồm:
+ Ban vận động thành lập công đoàn cơ sở.
+ Người lao động đang làm việc tại đơn vị sử dụng lao động đã là đoàn viên hoặc chưa là đoàn viên có đơn xin gia nhập Công đoàn Việt Nam.
+ Đại diện công đoàn cấp trên, người sử dụng lao động và các thành phần khác (nếu có) cùng dự, chứng kiến đại hội thành lập công đoàn cơ sở.
– Việc tổ chức điều hành đại hội thành lập công đoàn cơ sở do ban vận động thực hiện; có thể mời thêm đoàn viên, người lao động ngoài ban vận động, có kinh nghiệm, uy tín tham gia điều hành hoặc làm thư ký đại hội.
– Nội dung đại hội thành lập công đoàn cơ sở gồm:
+ Tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu.
+ Báo cáo quá trình vận động người lao động gia nhập công đoàn và công tác chuẩn bị tổ chức thành lập công đoàn cơ sở.
+ Công bố danh sách người lao động có đơn tự nguyện gia nhập công đoàn.
+ Tuyên bố thành lập công đoàn cơ sở.
+ Đại diện công đoàn cấp trên phát biểu (nếu có).
+ Người sử dụng lao động phát biểu (nếu có).
+ Bầu cử ban chấp hành công đoàn cơ sở.
+ Bầu cử chủ tịch công đoàn cơ sở.
+ Thông qua kế hoạch hoạt động của công đoàn cơ sở.
– Việc bầu cử tại đại hội thành lập công đoàn cơ sở thực hiện bằng hình thức bỏ phiếu kín. Phiếu bầu cử tại đại hội thành lập công đoàn phải có chữ ký của trưởng ban vận động thành lập công đoàn cơ sở ở góc trái, phía trên phiếu bầu.
– Những nơi do điều kiện sản xuất, kinh doanh, không thể triệu tập toàn thể người lao động có đơn xin gia nhập công đoàn dự đại hội thành lập công đoàn cơ sở thì ban vận động tổ chức lấy phiếu giới thiệu nhân sự và phát phiếu bầu cử ban chấp hành, chủ tịch công đoàn cơ sở cho đoàn viên tại các phòng, ban, tổ, đội, phân xưởng, nhóm công việc; đồng thời thực hiện công tác kiểm phiếu theo quy định và công bố kết quả bầu cử để toàn thể đoàn viên được biết.
– Kết thúc đại hội thành lập công đoàn cơ sở, ban vận động bàn giao toàn bộ hồ sơ đại hội cho ban chấp hành hoặc đồng chí chủ tịch mới được bầu, gồm cả danh sách ban vận động để lưu hồ sơ, tài liệu thành lập công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn cơ sở.
– Ban vận động chấm dứt nhiệm vụ sau khi tổ chức thành công đại hội thành lập công đoàn cơ sở.
Bước 3: Tổ chức họp ban chấp hành công đoàn cơ sở và lập hồ sơ đề nghị công đoàn cơ sở
– Chủ tịch công đoàn cơ sở sau đại hội thành lập tổ chức họp ban chấp hành công đoàn cơ sở trong vòng 10 ngày làm việc kể từ khi kết thúc đại hội thành lập để bầu ban thường vụ, phó chủ tịch, ủy ban kiểm tra và chủ nhiệm ủy ban kiểm tra công đoàn (nếu đủ điều kiện). Quá trình chuẩn bị cần liên hệ công đoàn cấp trên để được hướng dẫn.
– Trong vòng 15 ngày làm việc kể từ khi kết thúc đại hội, ban chấp hành phải lập hồ sơ đề nghị công đoàn cấp trên xem xét.
– Khi được công đoàn cấp trên công nhận, ban chấp hành công đoàn cơ sở thực hiện các thủ tục khắc dấu; đồng thời triển khai tổ chức các hoạt động theo quy định của Điều lệ và Hướng dẫn thi hành Điều lệ Công đoàn Việt Nam; hướng dẫn của công đoàn cấp trên và kế hoạch hoạt động đã được thống nhất tại hội nghị thành lập công đoàn cơ sở.
Như vậy, trình tự, thủ tục thành lập công đoàn tại doanh nghiệp được thực hiện theo quy định trên.