Lực lượng quản lý thuế là gì? 04 quy định trong xây dựng lực lượng quản lý thuế bao gồm những gì?

Lực lượng quản lý thuế là gì? 04 quy định trong xây dựng lực lượng quản lý thuế được pháp luật về thuế quy định thế nào? Trách nhiệm của cơ quan quản lý thuế trong hợp tác quốc tế về thuế là gì theo quy định?

Lực lượng quản lý thuế là gì?

Lực lượng quản lý thuế là tập hợp các cán bộ, công chức của cơ quan thuế có trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến quản lý thuế.

Theo quy định tại Điều 4 Luật Quản lý thuế 2019, nội dung quản lý thuế bao gồm:

– Đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế, ấn định thuế.

– Hoàn thuế, miễn thuế, giảm thuế, không thu thuế.

– Khoanh tiền thuế nợ; xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt; miễn tiền chậm nộp, tiền phạt; không tính tiền chậm nộp; gia hạn nộp thuế; nộp dần tiền thuế nợ.

– Quản lý thông tin người nộp thuế.

– Quản lý hóa đơn, chứng từ.

– Kiểm tra thuế, thanh tra thuế và thực hiện biện pháp phòng, chống, ngăn chặn vi phạm pháp luật về thuế.

– Cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế.

– Xử phạt vi phạm hành chính về quản lý thuế.

– Giải quyết khiếu nại, tố cáo về thuế.

– Hợp tác quốc tế về thuế.

– Tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế.

Lực lượng quản lý thuế đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo tính công bằng, minh bạch và hiệu quả trong hệ thống thuế, từ đó góp phần vào việc tăng cường nguồn thu cho ngân sách nhà nước và phát triển kinh tế.

04 quy định trong xây dựng lực lượng quản lý thuế?

Căn cứ Điều 10 Luật Quản lý thuế 2019, 04 quy định trong xây dựng lực lượng quản lý thuế bao gồm:

(1) Lực lượng quản lý thuế được xây dựng trong sạch, vững mạnh; được trang bị và làm chủ kỹ thuật hiện đại, hoạt động hiệu lực và hiệu quả.

(2) Công chức quản lý thuế là người có đủ điều kiện được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch, chức vụ, chức danh trong cơ quan quản lý thuế; được đào tạo, bồi dưỡng và quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức.

(3) Chế độ phục vụ, chức danh, tiêu chuẩn, lương, chế độ đãi ngộ khác, cấp hiệu, trang phục của công chức quản lý thuế được thực hiện theo quy định của pháp luật.

(4) Cơ quan quản lý thuế có trách nhiệm đào tạo, xây dựng đội ngũ công chức quản lý thuế để thực hiện chức năng quản lý thuế theo quy định của pháp luật.

Lưu ý: Theo quy định tại Điều 6 Luật Quản lý thuế 2019, trong quản lý thuế có các hành vi bị nghiêm cấm như sau:

– Thông đồng, móc nối, bao che giữa người nộp thuế và công chức quản lý thuế, cơ quan quản lý thuế để chuyển giá, trốn thuế.

– Gây phiền hà, sách nhiễu đối với người nộp thuế.

– Lợi dụng để chiếm đoạt hoặc sử dụng trái phép tiền thuế.

– Cố tình không kê khai hoặc kê khai thuế không đầy đủ, kịp thời, chính xác về số tiền thuế phải nộp.

– Cản trở công chức quản lý thuế thi hành công vụ.

– Sử dụng mã số thuế của người nộp thuế khác để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật hoặc cho người khác sử dụng mã số thuế của mình không đúng quy định của pháp luật.

– Bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ không xuất hóa đơn theo quy định của pháp luật, sử dụng hóa đơn không hợp pháp và sử dụng không hợp pháp hóa đơn.

– Làm sai lệch, sử dụng sai mục đích, truy cập trái phép, phá hủy hệ thống thông tin người nộp thuế.

Trách nhiệm của cơ quan quản lý thuế trong hợp tác quốc tế về thuế là gì?

Căn cứ quy định tại Điều 12 Luật Quản lý thuế 2019 thì trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, cơ quan quản lý thuế có trách nhiệm sau đây:

(1) Tham mưu giúp Bộ trưởng Bộ Tài chính đề xuất đàm phán, ký kết và thực hiện quyền, nghĩa vụ và bảo đảm lợi ích của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên;

(2) Đàm phán, ký kết và tổ chức thực hiện thỏa thuận song phương, đa phương với cơ quan quản lý thuế nước ngoài;

(3) Tổ chức khai thác, trao đổi thông tin và hợp tác nghiệp vụ với cơ quan quản lý thuế nước ngoài, các tổ chức quốc tế có liên quan. Trao đổi thông tin về người nộp thuế, thông tin về các bên liên kết với cơ quan thuế nước ngoài phục vụ công tác quản lý thuế đối với giao dịch liên kết;

(4) Thực hiện các biện pháp hỗ trợ thu thuế theo các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên bao gồm:

– Đề nghị cơ quan quản lý thuế nước ngoài và các cơ quan có thẩm quyền thực hiện hỗ trợ thu thuế tại nước ngoài đối với các khoản nợ thuế tại Việt Nam mà người nộp thuế có nghĩa vụ phải nộp khi người nộp thuế không còn ở Việt Nam;

– Thực hiện hỗ trợ thu thuế theo đề nghị của cơ quan quản lý thuế nước ngoài đối với các khoản nợ thuế phải nộp tại nước ngoài của người nộp thuế tại Việt Nam bằng biện pháp đôn đốc thu nợ thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế 2019 và phù hợp với thực tiễn quản lý thuế của Việt Nam.