Công ty chứng khoán mua, bán chứng khoán do sửa lỗi sau giao dịch có được xem là tự doanh chứng khoán?
Theo Điều 4 Luật Chứng khoán 2019 giải thích “Tự doanh chứng khoán” là việc công ty chứng khoán mua, bán chứng khoán cho chính mình.
Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 22 Thông tư 121/2020/TT-BTC về nghiệp vụ tự doanh chứng khoán như sau:
Nghiệp vụ tự doanh chứng khoán
1. Công ty chứng khoán phải đảm bảo có đủ tiền và chứng khoán để thanh toán các lệnh giao dịch cho tài khoản của chính mình.
2. Nghiệp vụ tự doanh của công ty chứng khoán phải được thực hiện với danh nghĩa chính mình, không được mượn danh nghĩa của người khác hoặc thực hiện với danh nghĩa cá nhân hoặc cho người khác sử dụng tài khoản tự doanh.
3. Các trường hợp sau không được coi là tự doanh chứng khoán:
a) Mua, bán chứng khoán do sửa lỗi sau giao dịch;
b) Mua, bán cổ phiếu của chính mình.
…
Như vậy, việc mua bán bán chứng khoán do sửa lỗi sau giao dịch của công ty chứng khoán không được xem là tự doanh chứng khoán.
Công ty chứng khoán là thành viên giao dịch của Sở giao dịch chứng khoán có nghiệp vụ tự doanh thì được mở bao nhiêu tài khoản giao dịch?
Căn cứ theo quy định tại khoản 6 Điều 6 Thông tư 120/2020/TT-BTC về tài khoản giao dịch chứng khoán như sau:
Tài khoản giao dịch chứng khoán
…
6. Công ty chứng khoán được mở tài khoản giao dịch chứng khoán theo nguyên tắc sau:
a) Công ty chứng khoán có nghiệp vụ tự doanh và là thành viên giao dịch của Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam chỉ được mở 01 tài khoản giao dịch chứng khoán tự doanh tại chính công ty, không được mở bất cứ tài khoản giao dịch chứng khoán tại các công ty chứng khoán khác, ngoại trừ trường hợp quy định tại điểm d khoản này.
b) Trường hợp công ty chứng khoán đã hủy bỏ tư cách thành viên của Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam, công ty chứng khoán được mở tài khoản giao dịch chứng khoán tại 01 công ty chứng khoán khác là thành viên giao dịch của Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam để xử lý số chứng khoán còn lại trên tài khoản tự doanh.
c) Công ty chứng khoán được mở 01 tài khoản giao dịch tạo lập thị trường đối với chứng khoán niêm yết, đăng ký giao dịch và 01 tài khoản phòng ngừa rủi ro chứng quyền có bảo đảm tại chính công ty để thực hiện giao dịch cho các nghiệp vụ này.
d) Công ty chứng khoán không phải là thành viên lập quỹ hoán đổi danh mục được mở tài khoản giao dịch chứng khoán tại thành viên lập quỹ hoán đổi danh mục. Tài khoản này được sử dụng để thực hiện giao dịch hoán đổi chứng chỉ quỹ hoán đổi danh mục trên thị trường sơ cấp, giao dịch bán trên thị trường thứ cấp đối với chứng khoán cơ cấu và chứng chỉ quỹ hoán đổi danh mục có được từ giao dịch hoán đổi, giao dịch mua chứng khoán cơ cấu và chứng chỉ quỹ hoán đổi danh mục trên thị trường thứ cấp để thực hiện giao dịch hoán đổi, không dùng để thực hiện các giao dịch chứng khoán khác.
…
Như vậy, công ty chứng khoán là thành viên giao dịch của Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam và có nghiệp vụ tự doanh thì chỉ được mở 01 tài khoản giao dịch chứng khoán tự doanh tại chính công ty và không được mở bất cứ tài khoản giao dịch chứng khoán tại các công ty chứng khoán khác.
Trường hợp công ty chứng khoán có nghiệp vụ tự doanh không phải là thành viên lập quỹ hoán đổi danh mục thì sẽ được mở tài khoản giao dịch chứng khoán tại thành viên lập quỹ hoán đổi danh mục.
Tài khoản này được sử dụng để thực hiện giao dịch hoán đổi chứng chỉ quỹ hoán đổi danh mục trên thị trường sơ cấp, giao dịch bán trên thị trường thứ cấp đối với chứng khoán cơ cấu và chứng chỉ quỹ hoán đổi danh mục có được từ giao dịch hoán đổi, giao dịch mua chứng khoán cơ cấu và chứng chỉ quỹ hoán đổi danh mục trên thị trường thứ cấp để thực hiện giao dịch hoán đổi, không dùng để thực hiện các giao dịch chứng khoán khác.
Công ty chứng khoán thực hiện nghiệp vụ tự doanh chứng khoán có được mua bán lại trái phiếu niêm yết không?
Công ty chứng khoán được cấp phép thực hiện nghiệp vụ tự doanh chứng khoán được quy định tại khoản 3 Điều 28 Thông tư 121/2020/TT-BTC như sau:
Hạn chế đầu tư
1. Công ty chứng khoán không được mua, góp vốn mua bất động sản trừ trường hợp để sử dụng làm trụ sở chính, chi nhánh, phòng giao dịch phục vụ trực tiếp cho các hoạt động nghiệp vụ của công ty chứng khoán.
2. Công ty chứng khoán mua, đầu tư vào bất động sản theo quy định tại Khoản 1 Điều này và tài sản cố định theo nguyên tắc giá trị còn lại của tài sản cố định và bất động sản không được vượt quá 50% giá trị tổng tài sản của công ty chứng khoán.
3. Tổng giá trị đầu tư vào các trái phiếu doanh nghiệp của công ty chứng khoán không được vượt quá 70% vốn chủ sở hữu. Công ty chứng khoán được cấp phép thực hiện nghiệp vụ tự doanh chứng khoán được mua bán lại trái phiếu niêm yết theo quy định có liên quan về giao dịch mua bán lại trái phiếu.
4. Công ty chứng khoán không được trực tiếp hoặc ủy thác cho tổ chức, cá nhân khác thực hiện:
a) Đầu tư vào cổ phiếu hoặc phần vốn góp của công ty có sở hữu trên 50% vốn điều lệ của công ty chứng khoán, trừ trường hợp mua cổ phiếu lô lẻ theo yêu cầu của khách hàng;
b) Cùng với người có liên quan đầu tư từ 5% trở lên vốn điều lệ của công ty chứng khoán khác;
c) Đầu tư quá 20% tổng số cổ phiếu, chứng chỉ quỹ đang lưu hành của một tổ chức niêm yết;
…
Theo đó, công ty chứng khoán được cấp phép thực hiện nghiệp vụ tự doanh chứng khoán thì được mua bán lại trái phiếu niêm yết.