Miễn tiền phạt vi phạm hành chính về quản lý thuế trong trường hợp nào? Mức phạt tiền trong xử phạt vi phạm hành chính về quản lý thuế là bao nhiêu?

Miễn tiền phạt vi phạm hành chính về quản lý thuế trong trường hợp nào? Mức phạt tiền trong xử phạt vi phạm hành chính về quản lý thuế là bao nhiêu? Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính về quản lý thuế là bao lâu?

Miễn tiền phạt vi phạm hành chính về quản lý thuế trong trường hợp nào?

Căn cứ theo Điều 140 Luật Quản lý thuế 2019 quy định về miễn tiền phạt vi phạm hành chính về quản lý thuế như sau:

Miễn tiền phạt vi phạm hành chính về quản lý thuế
1. Người nộp thuế bị phạt tiền do vi phạm hành chính về quản lý thuế mà bị thiệt hại trong trường hợp bất khả kháng quy định tại khoản 27 Điều 3 của Luật này thì được miễn tiền phạt. Tổng số tiền miễn phạt tối đa không quá giá trị tài sản, hàng hóa bị thiệt hại.
2. Không miễn tiền phạt vi phạm hành chính về quản lý thuế đối với các trường hợp đã thực hiện xong quyết định xử phạt vi phạm hành chính về quản lý thuế của cơ quan quản lý thuế hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
3. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Dẫn chiếu đến quy định tại khoản 27 Điều 3 Luật Quản lý thuế 2019 như sau:

Giải thích từ ngữ
Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
27. Trường hợp bất khả kháng bao gồm:
a) Người nộp thuế bị thiệt hại vật chất do gặp thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ;
b) Các trường hợp bất khả kháng khác theo quy định của Chính phủ.

Như vậy, người nộp thuế được miễn tiền phạt vi phạm hành chính về quản lý thuế nếu bị thiệt hại trong trường hợp bất khả kháng. Cụ thể là người nộp thuế bị thiệt hại vật chất do gặp thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ hoặc các trường hợp bất khả kháng khác theo quy định của Chính phủ.

Lưu ý: Tổng số tiền miễn phạt tối đa không quá giá trị tài sản, hàng hóa bị thiệt hại.

Mức phạt tiền trong xử phạt vi phạm hành chính về quản lý thuế là bao nhiêu?

Căn cứ theo Điều 138 Luật Quản lý thuế 2019 quy định như sau:

Hình thức xử phạt, mức phạt tiền và biện pháp khắc phục hậu quả
1. Các hình thức xử phạt vi phạm hành chính về quản lý thuế bao gồm:
a) Cảnh cáo;
b) Phạt tiền.
2. Mức phạt tiền trong xử phạt vi phạm hành chính về quản lý thuế được quy định như sau:
a) Mức phạt tiền tối đa đối với hành vi quy định tại Điều 141 của Luật này thực hiện theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính;
b) Phạt 10% tính trên số tiền thuế khai thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc số tiền thuế khai tăng trong trường hợp được miễn, giảm, hoàn, không thu thuế đối với hành vi quy định tại điểm a khoản 2 Điều 142 của Luật này;
c) Phạt 20% tính trên số tiền thuế khai thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc số tiền thuế khai tăng trong trường hợp được miễn, giảm, hoàn, không thu thuế đối với hành vi quy định tại khoản 1 và các điểm b, c khoản 2 Điều 142 của Luật này;
d) Phạt từ 01 lần đến 03 lần số tiền thuế trốn đối với hành vi quy định tại Điều 143 của Luật này.

Như vậy, mức phạt tiền trong xử phạt vi phạm hành chính về quản lý thuế được quy định như sau:

– Mức phạt tiền tối đa đối với hành vi quy định tại Điều 14 Luật Quản lý thuế 2019 thực hiện theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính;

– Phạt 10% tính trên số tiền thuế khai thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc số tiền thuế khai tăng trong trường hợp được miễn, giảm, hoàn, không thu thuế đối với hành vi quy định tại điểm a khoản 2 Điều 142 Luật Quản lý thuế 2019;

– Phạt 20% tính trên số tiền thuế khai thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc số tiền thuế khai tăng trong trường hợp được miễn, giảm, hoàn, không thu thuế đối với hành vi quy định tại khoản 1 và các điểm b, c khoản 2 Điều 142 Luật Quản lý thuế 2019;

– Phạt từ 01 lần đến 03 lần số tiền thuế trốn đối với hành vi quy định tại Điều 143 Luật Quản lý thuế 2019.

Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính về quản lý thuế là bao lâu?

Căn cứ theo Điều 137 Luật Quản lý thuế 2019 quy định về thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính về quản lý thuế như sau:

(1) Đối với hành vi vi phạm thủ tục thuế thì thời hiệu xử phạt là 02 năm kể từ ngày thực hiện hành vi vi phạm.

(2) Đối với hành vi trốn thuế chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, hành vi khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được miễn, giảm, hoàn, không thu thì thời hiệu xử phạt là 05 năm kể từ ngày thực hiện hành vi vi phạm.

Lưu ý: Quá thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính về quản lý thuế thì người nộp thuế không bị xử phạt nhưng vẫn phải nộp đủ số tiền thuế thiếu, số tiền thuế trốn, số tiền thuế được miễn, giảm, hoàn, không thu không đúng, tiền chậm nộp vào ngân sách nhà nước trong thời hạn 10 năm trở về trước kể từ ngày phát hiện hành vi vi phạm.

Trường hợp người nộp thuế không đăng ký thuế thì phải nộp đủ số tiền thuế thiếu, số tiền thuế trốn, tiền chậm nộp cho toàn bộ thời gian trở về trước kể từ ngày phát hiện hành vi vi phạm.