Tra cứu mã số thuế là gì?
Mã số thuế được giải thích tại khoản 5 Điều 3 Luật Quản lý thuế 2019 là một dãy số gồm 10 chữ số hoặc 13 chữ số và ký tự khác do cơ quan thuế cấp cho người nộp thuế dùng để quản lý thuế
Hiện nay, Luật Quản lý thuế 2019 và các văn bản có liên quan không có khái niệm “Tra cứu mã số thuế“ là gì, tuy nhiên, có thể hiểu tra cứu mã số thuế là quá trình tìm kiếm thông tin liên quan đến mã số thuế của cá nhân hoặc tổ chức. Việc tra cứu MST giúp kiểm tra thông tin như:
– Tình trạng thuế: Biết được cá nhân hoặc tổ chức có đang nợ thuế hay không.
– Thông tin doanh nghiệp: Kiểm tra thông tin đăng ký kinh doanh, địa chỉ, tên gọi.
– Xác minh thông tin: Đảm bảo thông tin về đối tác trong giao dịch là chính xác và hợp pháp.
Lưu ý: Thông tin trên chỉ mang tính chất tham khảo
02 cách tra cứu mã số thuế cá nhân, doanh nghiệp nhanh nhất?
Cá nhân, doanh nghiệp có thể tham khảo cách tra cứu mã số thuế dưới đây:
(I) Đối với việc tra cứu mã số thuế doanh nghiệp
Tra cứu mã số thuế doanh nghiệp trên Website Tổng cục thuế
– Bước 1: Truy cập vào trang của Tổng cục Thuế tại địa chỉ https://www.gdt.gov.vn/wps/portal
– Bước 2: Chọn Dịch vụ công.
– Bước 3: Chọn Tra cứu thông tin người nộp thuế.
– Bước 4: Điền một trong ba thông tin sau:
+ Tên tổ chức cá nhân nộp thuế.
+ Địa chỉ trụ sở kinh doanh.
+ Số chứng minh thư/Thẻ căn cước người đại diện.
Sau đó nhập mã xác nhận và ấn tra cứu.
(II) Đối với việc tra cứu mã số thuế cá nhân
(A) Tra cứu mã số thuế cá nhân trên trang Tổng cục thuế
– Bước 1: Truy cập vào Trang thông tin của Tổng cục thuế tại địa chỉ http://tracuunnt.gdt.gov.vn/tcnnt/mstcn.jsp
– Bước 2: Nhập số CMND/CCCD và mã xác nhận. Sau đó nhấn Tra cứu.
– Bước 3: Xem mã số thuế cá nhân
(B) Tra cứu mã số thuê cá nhân trên trang Thuế điện tử
– Bước 1: Truy cập vào Trang Thuế điện tử của Tổng cục Thuế tại địa chỉ https://thuedientu.gdt.gov.vn/
– Bước 2: Chọn cá nhân
– Bước 3: Chọn Tra cứu thông tin NNT
– Bước 4: Nhập số CMND/CCCD và mã xác nhận. Sau đó nhấn Tra cứu.
– Bước 5: Xem mã số thuế cá nhân.
Căn cứ quy định tại Điều 30 Luật Quản lý thuế 2019 thì cấu trúc mã số thuế được quy định như sau:
– Mã số thuế 10 chữ số được sử dụng cho doanh nghiệp, tổ chức có tư cách pháp nhân; đại diện hộ gia đình, hộ kinh doanh và cá nhân khác;
– Mã số thuế 13 chữ số và ký tự khác được sử dụng cho đơn vị phụ thuộc và các đối tượng khác.
Mã số thuế được sử dụng như thế nào?
Việc sử dụng mã số thuế được quy định tại Điều 35 Luật Quản lý thuế 2019, cụ thể như sau:
(1) Người nộp thuế phải ghi mã số thuế được cấp vào hóa đơn, chứng từ, tài liệu khi thực hiện các giao dịch kinh doanh; mở tài khoản tiền gửi tại ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng khác;
Khai thuế, nộp thuế, miễn thuế, giảm thuế, hoàn thuế, không thu thuế, đăng ký tờ khai hải quan và thực hiện các giao dịch về thuế khác đối với tất cả các nghĩa vụ phải nộp ngân sách nhà nước, kể cả trường hợp người nộp thuế hoạt động sản xuất, kinh doanh tại nhiều địa bàn khác nhau.
(2) Người nộp thuế phải cung cấp mã số thuế cho cơ quan, tổ chức có liên quan hoặc ghi mã số thuế trên hồ sơ khi thực hiện thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa liên thông với cơ quan quản lý thuế.
(3) Cơ quan quản lý thuế, Kho bạc Nhà nước, ngân hàng thương mại phối hợp thu ngân sách nhà nước, tổ chức được cơ quan thuế ủy nhiệm thu thuế sử dụng mã số thuế của người nộp thuế trong quản lý thuế và thu thuế vào ngân sách nhà nước.
(4) Ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng khác phải ghi mã số thuế trong hồ sơ mở tài khoản và các chứng từ giao dịch qua tài khoản của người nộp thuế.
(5) Tổ chức, cá nhân khác trong việc tham gia quản lý thuế sử dụng mã số thuế đã được cấp của người nộp thuế khi cung cấp thông tin liên quan đến việc xác định nghĩa vụ thuế.
(6) Khi bên Việt Nam chi trả tiền cho tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh xuyên biên giới dựa trên nền tảng trung gian kỹ thuật số không hiện diện tại Việt Nam thì phải sử dụng mã số thuế đã cấp cho tổ chức, cá nhân này để khấu trừ, nộp thay.
(7) Khi mã số định danh cá nhân được cấp cho toàn bộ dân cư thì sử dụng mã số định danh cá nhân thay cho mã số thuế.
Lưu ý:
Tại Điều 6 Luật Quản lý thuế 2019 quy định về các hành vi bị nghiêm cấm trong quản lý thuế như sau:
Các hành vi bị nghiêm cấm trong quản lý thuế
1. Thông đồng, móc nối, bao che giữa người nộp thuế và công chức quản lý thuế, cơ quan quản lý thuế để chuyển giá, trốn thuế.
2. Gây phiền hà, sách nhiễu đối với người nộp thuế.
3. Lợi dụng để chiếm đoạt hoặc sử dụng trái phép tiền thuế.
4. Cố tình không kê khai hoặc kê khai thuế không đầy đủ, kịp thời, chính xác về số tiền thuế phải nộp.
5. Cản trở công chức quản lý thuế thi hành công vụ.
6. Sử dụng mã số thuế của người nộp thuế khác để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật hoặc cho người khác sử dụng mã số thuế của mình không đúng quy định của pháp luật.
7. Bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ không xuất hóa đơn theo quy định của pháp luật, sử dụng hóa đơn không hợp pháp và sử dụng không hợp pháp hóa đơn.
8. Làm sai lệch, sử dụng sai mục đích, truy cập trái phép, phá hủy hệ thống thông tin người nộp thuế.
Theo đó, người nộp thuế không được sử dụng mã số thuế của người nộp thuế khác để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật hoặc cho người khác sử dụng mã số thuế của mình không đúng quy định của pháp luật.