Đơn vị tiền tệ trong kế toán có ký hiệu gì? Doanh nghiệp phải thông báo cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp khi lựa chọn đơn vị tiền tệ trong kế toán?

Đơn vị tiền tệ trong kế toán có ký hiệu gì? Doanh nghiệp phải thông báo cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp khi lựa chọn đơn vị tiền tệ trong kế toán đúng không? Trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc nộp thuế là gì?

Đơn vị tiền tệ trong kế toán có ký hiệu gì?

Căn cứ Điều 3 Thông tư 200/2014/TT-BTC quy định đơn vị tiền tệ trong kế toán như sau:

Đơn vị tiền tệ trong kế toán
“Đơn vị tiền tệ trong kế toán” là Đồng Việt Nam (ký hiệu quốc gia là “đ”; ký hiệu quốc tế là “VND”) được dùng để ghi sổ kế toán, lập và trình bày Báo cáo tài chính của doanh nghiệp. Trường hợp đơn vị kế toán chủ yếu thu, chi bằng ngoại tệ, đáp ứng được các tiêu chuẩn quy định tại Điều 4 Thông tư này thì được chọn một loại ngoại tệ làm đơn vị tiền tệ để ghi sổ kế toán.

Theo đó, đơn vị tiền tệ trong kế toán có ký hiệu quốc gia là “đ”ký hiệu quốc tế là “VND”.

Lưu ý:

– Đơn vị tiền tệ trong kế toán được dùng để ghi sổ kế toán, lập và trình bày Báo cáo tài chính của doanh nghiệp.

– Trường hợp đơn vị kế toán chủ yếu thu, chi bằng ngoại tệ, đáp ứng được các tiêu chuẩn quy định tại Điều 4 Thông tư 200/2014/TT-BTC thì được chọn một loại ngoại tệ làm đơn vị tiền tệ để ghi sổ kế toán.

Doanh nghiệp phải thông báo cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp khi lựa chọn đơn vị tiền tệ trong kế toán đúng không?

Căn cứ quy định tại Điều 4 Thông tư 200/2014/TT-BTC về việc lựa chọn đơn vị tiền tệ trong kế toán như sau:

Lựa chọn đơn vị tiền tệ trong kế toán
1. Doanh nghiệp có nghiệp vụ thu, chi chủ yếu bằng ngoại tệ căn cứ vào quy định của Luật Kế toán, để xem xét, quyết định lựa chọn đơn vị tiền tệ trong kế toán và chịu trách nhiệm về quyết định đó trước pháp luật. Khi lựa chọn đơn vị tiền tệ trong kế toán, doanh nghiệp phải thông báo cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp.
2. Đơn vị tiền tệ trong kế toán là đơn vị tiền tệ:
a) Được sử dụng chủ yếu trong các giao dịch bán hàng, cung cấp dịch vụ của đơn vị, có ảnh hưởng lớn đến giá bán hàng hoá và cung cấp dịch vụ và thường chính là đơn vị tiền tệ dùng để niêm yết giá bán và được thanh toán; và

Chiếu theo quy định trên, khi lựa chọn đơn vị tiền tệ trong kế toán, doanh nghiệp phải thông báo cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp.

Lưu ý:

– Doanh nghiệp có nghiệp vụ thu, chi chủ yếu bằng ngoại tệ căn cứ vào quy định của Luật Kế toán, để xem xét, quyết định lựa chọn đơn vị tiền tệ trong kế toán và chịu trách nhiệm về quyết định đó trước pháp luật.

– Đơn vị tiền tệ trong kế toán là đơn vị tiền tệ:

+ Được sử dụng chủ yếu trong các giao dịch bán hàng, cung cấp dịch vụ của đơn vị, có ảnh hưởng lớn đến giá bán hàng hoá và cung cấp dịch vụ và thường chính là đơn vị tiền tệ dùng để niêm yết giá bán và được thanh toán; và

+ Được sử dụng chủ yếu trong việc mua hàng hóa, dịch vụ, có ảnh hưởng lớn đến chi phí nhân công, nguyên vật liệu và các chi phí sản xuất, kinh doanh khác, thông thường chính là đơn vị tiền tệ dùng để thanh toán cho các chi phí đó.

Trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc nộp thuế là gì?

Trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc nộp thuế được quy định tại Điều 17 Luật Quản lý thuế 2019, bao gồm:

(1) Thực hiện đăng ký thuế, sử dụng mã số thuế theo quy định của pháp luật.

(2) Khai thuế chính xác, trung thực, đầy đủ và nộp hồ sơ thuế đúng thời hạn; chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực, đầy đủ của hồ sơ thuế.

(3) Nộp tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt đầy đủ, đúng thời hạn, đúng địa điểm.

(4) Chấp hành chế độ kế toán, thống kê và quản lý, sử dụng hóa đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật.

(5) Ghi chép chính xác, trung thực, đầy đủ những hoạt động phát sinh nghĩa vụ thuế, khấu trừ thuế và giao dịch phải kê khai thông tin về thuế.

(6) Lập và giao hóa đơn, chứng từ cho người mua theo đúng số lượng, chủng loại, giá trị thực thanh toán khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ theo quy định của pháp luật.

(7) Cung cấp chính xác, đầy đủ, kịp thời thông tin, tài liệu liên quan đến việc xác định nghĩa vụ thuế, bao gồm cả thông tin về giá trị đầu tư; số hiệu và nội dung giao dịch của tài khoản được mở tại ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng khác; giải thích việc tính thuế, khai thuế, nộp thuế theo yêu cầu của cơ quan quản lý thuế.

(8) Chấp hành quyết định, thông báo, yêu cầu của cơ quan quản lý thuế, công chức quản lý thuế theo quy định của pháp luật.

(9) Chịu trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ thuế theo quy định của pháp luật trong trường hợp người đại diện theo pháp luật hoặc đại diện theo ủy quyền thay mặt người nộp thuế thực hiện thủ tục về thuế sai quy định.

(10) Doanh nghiệp thực hiện hoạt động kinh doanh tại địa bàn có cơ sở hạ tầng về công nghệ thông tin phải thực hiện kê khai, nộp thuế, giao dịch với cơ quan quản lý thuế thông qua phương tiện điện tử theo quy định của pháp luật.

(11) Căn cứ tình hình thực tế và điều kiện trang bị công nghệ thông tin, Chính phủ quy định chi tiết việc người nộp thuế không phải nộp các chứng từ trong hồ sơ khai, nộp thuế, hồ sơ hoàn thuế và các hồ sơ thuế khác mà cơ quan quản lý nhà nước đã có.

(12) Xây dựng, quản lý, vận hành hệ thống hạ tầng kỹ thuật bảo đảm việc thực hiện giao dịch điện tử với cơ quan quản lý thuế, áp dụng kết nối thông tin liên quan đến việc thực hiện nghĩa vụ thuế với cơ quan quản lý thuế.

(13) Doanh nghiệp có phát sinh giao dịch liên kết có nghĩa vụ lập, lưu trữ, kê khai, cung cấp hồ sơ thông tin về doanh nghiệp và các bên liên kết của doanh nghiệp bao gồm cả thông tin về các bên liên kết cư trú tại các quốc gia, vùng lãnh thổ ngoài Việt Nam theo quy định của Chính phủ.