File word Mẫu giấy giới thiệu công ty? Chi phụ cấp cho người lao động đi công tác có được trừ khi tính thuế?

File word Mẫu giấy giới thiệu công ty? Khoản chi phụ cấp cho người lao động đi công tác có được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp hay không? Doanh nghiệp không được yêu cầu người lao động đi công tác xa trong trường hợp nào?

File word Mẫu giấy giới thiệu công ty?

Giấy giới thiệu công ty là một trong những văn bản hành chính cần thiết và được sử dụng phổ biến tại các công ty, doanh nghiệp. Giấy tờ này được sử dụng chủ yếu để giới thiệu về cơ quan, tổ chức khi cử nhân viên đi công tác, đi thực hiện nhiệm vụ, đàm phán công việc…

Hiện tại, Bộ luật Lao động 2019 cũng như các văn bản liên quan không có quy định cụ thể về Mẫu giấy giới thiệu công ty. Thông thường mẫu này sẽ do các công ty, doanh nghiệp tự soạn thảo. Dưới đây là một vài Mẫu giấy giới thiệu công ty file word có thể tham khảo:

(1) Mẫu giấy giới thiệu công ty – Mẫu 1: TẢI VỀ

Mẫu giấy giới thiệu công ty

(2) Mẫu giấy giới thiệu công ty – Mẫu 2: TẢI VỀ

Mẫu giấy giới thiệu công ty

File word Mẫu giấy giới thiệu công ty? (Hình từ Internet)

Khoản chi phụ cấp cho người lao động đi công tác có được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp hay không?

Căn cứ Điều 6 Thông tư 78/2014/TT-BTC (được sửa đổi bởi Điều 4 Thông tư 96/2015/TT-BTC) có quy định như sau:

Các khoản chi được trừ và không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế
1. Trừ các khoản chi không được trừ nêu tại Khoản 2 Điều này, doanh nghiệp được trừ mọi khoản chi nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau:
a) Khoản chi thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
b) Khoản chi có đủ hoá đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của pháp luật.
c) Khoản chi nếu có hoá đơn mua hàng hoá, dịch vụ từng lần có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên (giá đã bao gồm thuế GTGT) khi thanh toán phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt.
2. Các khoản chi không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế bao gồm:
2.9. Chi phụ cấp tàu xe đi nghỉ phép không đúng theo quy định của Bộ luật Lao động.
Chi phụ cấp cho người lao động đi công tác, chi phí đi lại và tiền thuê chỗ ở cho người lao động đi công tác nếu có đầy đủ hóa đơn, chứng từ được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế. Trường hợp doanh nghiệp có khoán tiền đi lại, tiền ở, phụ cấp cho người lao động đi công tác và thực hiện đúng theo quy chế tài chính hoặc quy chế nội bộ của doanh nghiệp thì được tính vào chi phí được trừ khoản chi khoán tiền đi lại, tiền ở, tiền phụ cấp.
Trường hợp doanh nghiệp cử người lao động đi công tác (bao gồm công tác trong nước và công tác nước ngoài) nếu có phát sinh chi phí từ 20 triệu đồng trở lên, chi phí mua vé máy bay mà các khoản chi phí này được thanh toán bằng thẻ ngân hàng của cá nhân thì đủ điều kiện là hình thức thanh toán không dùng tiền mặt và tính vào chi phí được trừ nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau:
– Có hóa đơn, chứng từ phù hợp do người cung cấp hàng hóa, dịch vụ giao xuất.
– Doanh nghiệp có quyết định hoặc văn bản cử người lao động đi công tác.
– Quy chế tài chính hoặc quy chế nội bộ của doanh nghiệp cho phép người lao động được phép thanh toán khoản công tác phí, mua vé máy bay bằng thẻ ngân hàng do cá nhân là chủ thẻ và khoản chi này sau đó được doanh nghiệp thanh toán lại cho người lao động.
Trường hợp doanh nghiệp có mua vé máy bay qua website thương mại điện tử cho người lao động đi công tác để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp thì chứng từ làm căn cứ để tính vào chi phí được trừ là vé máy bay điện tử, thẻ lên máy bay (boarding pass) và chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt của doanh nghiệp có cá nhân tham gia hành trình vận chuyển. Trường hợp doanh nghiệp không thu hồi được thẻ lên máy bay của người lao động thì chứng từ làm căn cứ để tính vào chi phí được trừ là vé máy bay điện tử, quyết định hoặc văn bản cử người lao động đi công tác và chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt của doanh nghiệp có cá nhân tham gia hành trình vận chuyển.

Và theo Công văn 9867/CT-TTHT năm 2016 hướng dẫn:

Căn cứ các quy định trên trường hợp Công ty có khoán tiền ở và phụ cấp cho người lao động đi công tác phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh theo đúng quy chế tài chính hoặc quy chế nội bộ của Công ty thì khoản chi khoán tiền công tác này được tính vào chi phí được trừ khi tính thuế TNDN, khi chi tiền Công ty lập chứng từ chi.

Căn cứ vào các quy định trên thì khoản chi phụ cấp cho người lao động đi công tác, chi phí đi lại và tiền thuê chỗ ở cho người lao động đi công tác nếu có đầy đủ hóa đơn, chứng từ được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp.

Trường hợp doanh nghiệp có khoán tiền đi lại, tiền ở, phụ cấp cho người lao động đi công tác và thực hiện đúng theo quy chế tài chính hoặc quy chế nội bộ của doanh nghiệp thì được tính vào chi phí được trừ khoản chi khoán tiền đi lại, tiền ở, tiền phụ cấp.

Doanh nghiệp không được yêu cầu người lao động đi công tác xa trong trường hợp nào?

Căn cứ Điều 137 Bộ luật Lao động 2019 quy định như sau:

Bảo vệ thai sản
1. Người sử dụng lao động không được sử dụng người lao động làm việc ban đêm, làm thêm giờ và đi công tác xa trong trường hợp sau đây:
a) Mang thai từ tháng thứ 07 hoặc từ tháng thứ 06 nếu làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo;
b) Đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi, trừ trường hợp được người lao động đồng ý.
2. Lao động nữ làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc làm nghề, công việc có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh sản và nuôi con khi mang thai và có thông báo cho người sử dụng lao động biết thì được người sử dụng lao động chuyển sang làm công việc nhẹ hơn, an toàn hơn hoặc giảm bớt 01 giờ làm việc hằng ngày mà không bị cắt giảm tiền lương và quyền, lợi ích cho đến hết thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi.

Như vậy, doanh nghiệp không được yêu cầu người lao động đi công tác xa trong trường hợp người này:

– Mang thai từ tháng thứ 07 hoặc từ tháng thứ 06 nếu làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo;

– Đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi, trừ trường hợp được người lao động đồng ý.