Hội nghị người lao động tại doanh nghiệp nhà nước được tổ chức bao lâu một lần? Thành phần tham dự hội nghị gồm có ai?

Hội nghị người lao động tại doanh nghiệp nhà nước được tổ chức bao lâu một lần? Được tổ chức bất thường khi nào? Thành phần tham dự hội nghị người lao động tại doanh nghiệp nhà nước gồm những gì? Người lao động bàn và quyết định các vấn đề nào tại hội nghị người lao động?

Hội nghị người lao động tại doanh nghiệp nhà nước được tổ chức bao lâu một lần? Được tổ chức bất thường khi nào?

Căn cứ theo Điều 69 Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở 2022 quy định như sau:

Tổ chức hội nghị người lao động

1. Hội nghị người lao động do ban lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước và Ban Chấp hành Công đoàn ở doanh nghiệp, ban đại diện của tổ chức đại diện khác của người lao động ở cơ sở (nếu có) phối hợp tổ chức.

Hội nghị người lao động được tổ chức định kỳ mỗi năm một lần sau khi kết thúc năm tài chính của doanh nghiệp nhưng không chậm hơn 03 tháng của năm tiếp theo do người đại diện có thẩm quyền của doanh nghiệp quyết định sau khi lấy ý kiến của Ban Chấp hành Công đoàn ở doanh nghiệp, ban đại diện của tổ chức đại diện khác của người lao động ở cơ sở (nếu có).

Hội nghị người lao động được tổ chức bất thường khi có đề xuất của các đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 68 của Luật này.

Như vậy, hội nghị người lao động được tổ chức định kỳ mỗi năm một lần.

Theo đó, hội nghị người lao động tại doanh nghiệp nhà nước được tổ chức sau khi kết thúc năm tài chính của doanh nghiệp nhưng không chậm hơn 03 tháng của năm tiếp theo do người đại diện có thẩm quyền của doanh nghiệp quyết định sau khi lấy ý kiến của Ban Chấp hành Công đoàn ở doanh nghiệp, ban đại diện của tổ chức đại diện khác của người lao động ở cơ sở (nếu có).

Bên cạnh đó, hội nghị người lao động được tổ chức bất thường khi có đề xuất của các đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 68 Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở 2022.

Hội nghị người lao động tại doanh nghiệp nhà nước được tổ chức khi nào?

Doanh nghiệp có sử dụng ít hơn 100 người lao động thì thành phần tham dự hội nghị người lao động gồm có ai?

Căn cứ theo khoản 2 Điều 69 Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở 2022 thì thành phần dự hội nghị người lao động tại doanh nghiệp nhà nước được quy định như sau:

Tổ chức hội nghị người lao động

2. Thành phần dự hội nghị người lao động tại doanh nghiệp nhà nước được quy định như sau:

a) Đối với doanh nghiệp có sử dụng ít hơn 100 người lao động, thì tổ chức hội nghị toàn thể người lao động của doanh nghiệp, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản này;

b) Đối với doanh nghiệp có sử dụng từ 100 người lao động trở lên hoặc có dưới 100 người lao động nhưng làm việc phân tán trên địa bàn rộng hoặc vì lý do nghiệp vụ không thể bỏ vị trí làm việc, thì người đại diện có thẩm quyền của doanh nghiệp thống nhất với Ban Chấp hành Công đoàn ở doanh nghiệp, ban đại diện của tổ chức đại diện khác của người lao động ở cơ sở (nếu có) quyết định thành phần tham dự hội nghị là toàn thể người lao động hoặc đại biểu người lao động phù hợp với đặc điểm tình hình của doanh nghiệp;

c) Hội nghị được tổ chức hợp lệ khi có ít nhất là hai phần ba tổng số người lao động của doanh nghiệp hoặc ít nhất là hai phần ba tổng số đại biểu được triệu tập có mặt. Nghị quyết, quyết định của hội nghị được thông qua khi có trên 50% tổng số người dự hội nghị tán thành và nội dung không trái với quy định của pháp luật, phù hợp với đạo đức xã hội.

Như vậy, đối với doanh nghiệp nhà nước có sử dụng ít hơn 100 người lao động thì tổ chức hội nghị toàn thể người lao động của doanh nghiệp, trừ trường hợp:

Doanh nghiệp nhà nước có dưới 100 người lao động nhưng làm việc phân tán trên địa bàn rộng hoặc vì lý do nghiệp vụ không thể bỏ vị trí làm việc, thì người đại diện có thẩm quyền của doanh nghiệp thống nhất với Ban Chấp hành Công đoàn ở doanh nghiệp, ban đại diện của tổ chức đại diện khác của người lao động ở cơ sở (nếu có) quyết định thành phần tham dự hội nghị là toàn thể người lao động hoặc đại biểu người lao động phù hợp với đặc điểm tình hình của doanh nghiệp.

Người lao động bàn và quyết định các vấn đề nào tại hội nghị người lao động?

Căn cứ theo Điều 68 Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở 2022 quy định như sau:

Hình thức người lao động bàn và quyết định

1. Người lao động bàn và quyết định các nội dung quy định tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều 67 của Luật này tại hội nghị người lao động trên cơ sở đề xuất của Ban Chấp hành Công đoàn ở doanh nghiệp, tổ chức đại diện khác của người lao động ở cơ sở (nếu có), người đại diện có thẩm quyền của doanh nghiệp nhà nước hoặc khi có ít nhất là một phần ba tổng số người lao động của doanh nghiệp cùng đề nghị.

2. Trường hợp không thể tổ chức hội nghị người lao động vì lý do bất khả kháng hoặc hội nghị đã được triệu tập đến lần thứ hai nhưng vẫn không có đủ số người tham dự quy định tại điểm c khoản 2 Điều 69 của Luật này thì người đại diện có thẩm quyền của doanh nghiệp nhà nước, sau khi đã thống nhất với Ban Chấp hành Công đoàn ở doanh nghiệp, ban đại diện của tổ chức đại diện khác của người lao động ở cơ sở (nếu có), quyết định tổ chức gửi phiếu lấy ý kiến của toàn thể người lao động trong doanh nghiệp.

Dẫn chiếu đến quy định tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều 67 Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở 2022 như sau:

Những nội dung người lao động bàn và quyết định

2. Việc lập các loại quỹ và thu, chi, quản lý, sử dụng các khoản từ thu nhập, đóng góp của người lao động.

3. Việc bầu, cho thôi làm thành viên Ban Thanh tra nhân dân.

4. Nội dung nghị quyết của hội nghị người lao động.

5. Các nội dung tự quản khác trong nội bộ doanh nghiệp nhà nước không trái với quy định của pháp luật, phù hợp với đạo đức xã hội.

Như vậy, bgười lao động bàn và quyết định các vấn đề sau đây tại hội nghị người lao động:

– Việc lập các loại quỹ và thu, chi, quản lý, sử dụng các khoản từ thu nhập, đóng góp của người lao động.

– Việc bầu, cho thôi làm thành viên Ban Thanh tra nhân dân.

– Nội dung nghị quyết của hội nghị người lao động.

– Các nội dung tự quản khác trong nội bộ doanh nghiệp nhà nước không trái với quy định của pháp luật, phù hợp với đạo đức xã hội.