Nguyên tắc ghi sổ kế toán tài sản kết cấu hạ tầng chợ được quy định như thế nào theo quy định pháp luật?
Nguyên tắc ghi sổ kế toán tài sản kết cấu hạ tầng chợ được quy định như thế nào?
Nguyên tắc ghi sổ kế toán tài sản kết cấu hạ tầng chợ được quy định tại khoản 2 Điều 19 Nghị định 60/2024/NĐ-CP cụ thể như sau:
– Đối với tài sản kết cấu hạ tầng chợ sử dụng trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành mà đã có thông tin giá trị trên sổ kế toán thì sử dụng thông tin giá trị đã có để ghi sổ kế toán.
– Đối với tài sản kết cấu hạ tầng chợ sử dụng trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành nhưng chưa được theo dõi, ghi sổ kế toán thì sử dụng giá trị theo đánh giá lại thực tế hoặc giá trị đầu tư của công trình có cấp, hạng, quy mô công suất tương đương, sau khi đã trừ đi giá trị của thời gian đã sử dụng để ghi sổ kế toán.
– Đối với tài sản kết cấu hạ tầng chợ được mua sắm, đầu tư xây dựng, hoàn thành đưa vào sử dụng kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành thì giá trị ghi sổ kế toán là giá trị mua sắm, quyết toán theo quy định.
+ Trường hợp tài sản được đầu tư xây dựng mới, hoàn thành đưa vào sử dụng nhưng chưa được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt quyết toán thì sử dụng nguyên giá tạm tính để ghi sổ kế toán
Trong đó, nguyên giá tạm tính xác định theo thứ tự ưu tiên sau: giá trị đề nghị quyết toán; giá trị xác định theo Biên bản nghiệm thu A-B, giá trị dự toán của dự án đã được phê duyệt. Khi có quyết toán được phê duyệt, kế toán thực hiện điều chỉnh giá trị đã ghi sổ theo quy định của pháp luật về kế toán.
– Trường hợp tài sản kết cấu hạ tầng chợ trong quá trình quản lý, sử dụng được sửa chữa nâng cấp, mở rộng theo dự án được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt thì khi quyết toán dự án được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt, kế toán thực hiện ghi tăng giá trị tài sản theo giá trị quyết toán được phê duyệt.
02 trách nhiệm của cơ quan, đơn vị được giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng chợ trong kế toán tài sản kết cấu hạ tầng chợ?
02 trách nhiệm của cơ quan, đơn vị được giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng chợ trong kế toán tài sản kết cấu hạ tầng chợ được quy định tại Điều 19 Nghị định 60/2024/NĐ-CP cụ thể như sau:
Kế toán tài sản kết cấu hạ tầng chợ
1. Cơ quan, đơn vị được giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng chợ có trách nhiệm:
a) Mở sổ và thực hiện kế toán tài sản theo quy định của pháp luật về kế toán và quy định tại Nghị định này;
b) Thực hiện báo cáo tình hình tăng, giảm, trích khấu hao, tính hao mòn tài sản theo quy định của pháp luật.
Theo đó, 02 trách nhiệm của cơ quan, đơn vị được giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng chợ trong kế toán tài sản kết cấu hạ tầng chợ được quy định như sau:
– Mở sổ và thực hiện kế toán tài sản theo quy định của pháp luật về kế toán và quy định tại Nghị định này;
– Thực hiện báo cáo tình hình tăng, giảm, trích khấu hao, tính hao mòn tài sản theo quy định của pháp luật.
Nguyên tắc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng chợ do Nhà nước đầu tư, quản lý được quy định như thế nào?
Nguyên tắc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng chợ do Nhà nước đầu tư, quản lý được quy định tại Điều 13 Nghị định 60/2024/NĐ-CP cụ thể như sau:
– Tài sản kết cấu hạ tầng chợ được cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền giao cho đối tượng quản lý, sử dụng phù hợp với điều kiện cụ thể về quy mô chợ, đặc điểm kinh tế xã hội của từng địa phương và quy định của pháp luật.
Việc giao đất, cho thuê đất, thu tiền thuê đất, miễn, giảm tiền thuê đất và quản lý, sử dụng đất gắn với tài sản kết cấu hạ tầng chợ thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật có liên quan.
– Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định giao cơ quan có trách nhiệm quản lý nhà nước đối với tài sản kết cấu hạ tầng chợ trên địa bàn đảm bảo thống nhất, phân cấp rõ thẩm quyền, trách nhiệm của từng cơ quan và trách nhiệm phối hợp giữa các cơ quan, phù hợp với quy mô chợ, quy định pháp luật và đặc điểm kinh tế xã hội của địa phương.
– Nhà nước khuyến khích thực hiện xã hội hóa nhằm huy động và đa dạng hóa nguồn lực để duy trì, phát triển, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng chợ.
– Tài sản kết cấu hạ tầng chợ được thống kê, kế toán đầy đủ về hiện vật và giá trị; được thực hiện trích khấu hao, tính hao mòn tài sản; bảo trì tài sản theo quy định của pháp luật. Các đối tượng được giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng chợ theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 15 Nghị định 60/2024/NĐ-CP và tổ chức có liên quan thực hiện kế toán theo quy định hiện hành.
– Việc quản lý, sử dụng, xử lý và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng chợ phải: bảo đảm công khai, minh bạch; bảo đảm mục tiêu an sinh xã hội; có phương án di dời, đền bù thỏa đáng; bảo đảm an ninh, trật tự; không gây thất thoát tài sản nhà nước; được giám sát, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán; phù hợp với quy hoạch; bảo tồn các công trình có giá trị lịch sử, văn hóa và kiến trúc; mọi hành vi vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng và khai thác phải được xử lý kịp thời, nghiêm minh theo quy định của pháp luật.
– Tài sản kết cấu hạ tầng chợ quản lý, sử dụng và khai thác không hiệu quả, không phù hợp với quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt, không phù hợp với mục đích sử dụng ban đầu của tài sản thì việc thu hồi đất gắn với tài sản được thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật có liên quan.