Doanh nghiệp viễn thông có thể ngừng khẩn cấp việc cung cấp dịch vụ viễn thông theo quy định pháp luật không?



Doanh nghiệp viễn thông có thể ngừng khẩn cấp việc cung cấp dịch vụ viễn thông không? Trách nhiệm bảo đảm an toàn cơ sở hạ tầng viễn thông, an toàn thông tin mạng và an ninh thông tin thuộc về ai? Tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động viễn thông thực hiện bảo đảm bí mật thông tin như thế nào?



Doanh nghiệp viễn thông là gì? Trách nhiệm bảo đảm an toàn cơ sở hạ tầng viễn thông, an toàn thông tin mạng và an ninh thông tin thuộc về ai?

Doanh nghiệp viễn thông được định nghĩa tại khoản 29 Điều 3 Luật Viễn thông 2023 là doanh nghiệp được thành lập theo pháp luật Việt Nam và được phép kinh doanh dịch vụ viễn thông theo quy định của Luật này. Doanh nghiệp viễn thông bao gồm:

(i) Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ có hạ tầng mạng là doanh nghiệp thực hiện việc thiết lập, sở hữu mạng viễn thông công cộng và cung cấp dịch vụ viễn thông;

(ii) Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ không có hạ tầng mạng là doanh nghiệp thực hiện việc cung cấp dịch vụ viễn thông nhưng không thiết lập, không sở hữu mạng viễn thông công cộng.

Trách nhiệm bảo đảm an toàn cơ sở hạ tầng viễn thông, an toàn thông tin mạng và an ninh thông tin được quy định tại khoản 1 Điều 5 Luật Viễn thông 2023 như sau:

Bảo đảm an toàn cơ sở hạ tầng viễn thông, an toàn thông tin mạng và an ninh thông tin

1. Bảo đảm an toàn cơ sở hạ tầng viễn thông, an toàn thông tin mạng và an ninh thông tin là trách nhiệm của mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân. Trường hợp phát hiện hành vi cản trở việc xây dựng hợp pháp, hành vi phá hoại, xâm phạm cơ sở hạ tầng viễn thông, cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm thông báo kịp thời cho Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc cơ quan công an nơi gần nhất.

Theo đó, trách nhiệm bảo đảm an toàn cơ sở hạ tầng viễn thông, an toàn thông tin mạng và an ninh thông tin thuộc về mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Trường hợp phát hiện hành vi cản trở việc xây dựng hợp pháp, hành vi phá hoại, xâm phạm cơ sở hạ tầng viễn thông, cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm thông báo kịp thời cho Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc cơ quan công an nơi gần nhất.

Doanh nghiệp viễn thông có thể ngừng khẩn cấp việc cung cấp dịch vụ viễn thông không?

Ngừng khẩn cấp việc cung cấp dịch vụ viễn thông theo quy định tại khoản 6 Điều 5 Luật Viễn thông 2023 như sau:

Bảo đảm an toàn cơ sở hạ tầng viễn thông, an toàn thông tin mạng và an ninh thông tin

6. Doanh nghiệp viễn thông có trách nhiệm ngừng khẩn cấp việc cung cấp dịch vụ viễn thông trong trường hợp có bạo loạn, sử dụng dịch vụ viễn thông nhằm chống lại Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, xâm phạm an ninh quốc gia theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

7. Khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của Luật An ninh mạng, doanh nghiệp viễn thông có trách nhiệm cung cấp điểm truy nhập mạng viễn thông và các điều kiện kỹ thuật, nghiệp vụ cần thiết khác để cơ quan đó thực hiện nhiệm vụ kiểm soát và bảo đảm an ninh thông tin.

8. Chính phủ quy định chi tiết việc bảo đảm an toàn cơ sở hạ tầng viễn thông, an toàn thông tin mạng trong hoạt động viễn thông.

Theo đó, doanh nghiệp viễn thông có trách nhiệm ngừng khẩn cấp việc cung cấp dịch vụ viễn thông trong trường hợp có bạo loạn, sử dụng dịch vụ viễn thông nhằm chống lại Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, xâm phạm an ninh quốc gia theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

Như vậy, doanh nghiệp viễn thông có thể ngừng khẩn cấp việc cung cấp dịch vụ viễn thông.

Doanh nghiệp viễn thông có thể ngừng khẩn cấp việc cung cấp dịch vụ viễn thông theo quy định pháp luật không?

Doanh nghiệp viễn thông có thể ngừng khẩn cấp việc cung cấp dịch vụ viễn thông theo quy định pháp luật không? (Hình từ Internet)

Tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động viễn thông thực hiện bảo đảm bí mật thông tin như thế nào?

Tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động viễn thông thực hiện bảo đảm bí mật thông tin theo quy định tại Điều 6 Luật Viễn thông 2023 cụ thể như sau:

– Tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động viễn thông có trách nhiệm bảo vệ bí mật nhà nước theo quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước.

– Tổ chức, cá nhân khi gửi, truyền hoặc lưu giữ thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước trên mạng viễn thông có trách nhiệm mã hóa thông tin theo quy định của pháp luật về cơ yếu.

– Thông tin riêng của mọi tổ chức, cá nhân chuyển qua mạng viễn thông công cộng được bảo đảm bí mật. Việc kiểm soát thông tin trên mạng viễn thông do cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện theo quy định của pháp luật.

– Doanh nghiệp viễn thông không được tiết lộ thông tin riêng liên quan đến người sử dụng dịch vụ viễn thông, bao gồm thông tin thuê bao viễn thông và thông tin về việc sử dụng dịch vụ viễn thông, trừ các trường hợp sau đây:

+ Người sử dụng dịch vụ viễn thông đồng ý cung cấp thông tin theo quy định của pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân;

+ Các doanh nghiệp viễn thông có thỏa thuận bằng văn bản về việc trao đổi, cung cấp thông tin thuê bao viễn thông, thông tin về việc sử dụng dịch vụ viễn thông của người sử dụng dịch vụ để phục vụ cho việc tính giá, lập hóa đơn;

+ Doanh nghiệp viễn thông cung cấp thông tin thuê bao viễn thông có hành vi trốn tránh thực hiện nghĩa vụ thanh toán tiền sử dụng dịch vụ viễn thông theo quy định của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông;

+ Khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

Lưu ý:

– Thông tin thuê bao viễn thông bao gồm: tên, địa chỉ, số thuê bao viễn thông và thông tin riêng khác mà người sử dụng cung cấp khi giao kết hợp đồng với doanh nghiệp.

– Thông tin về việc sử dụng dịch vụ viễn thông bao gồm: số thuê bao viễn thông gửi, số thuê bao viễn thông nhận, vị trí thiết bị đầu cuối gửi, vị trí thiết bị đầu cuối nhận, thời điểm gửi, nhận, thời lượng liên lạc, địa chỉ Internet.