Mẫu Công văn đề nghị hoàn tiền nộp thừa thuế xuất nhập khẩu?
Mẫu Công văn đề nghị hoàn tiền nộp thừa thuế xuất nhập khẩu trong các trường hợp hoàn tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa là Mẫu số 27/CVĐNHNT/TXNK Phụ lục III ban hành kèm Thông tư 39/2018/TT-BTC:
TẢI VỀ Mẫu Công văn đề nghị hoàn tiền nộp thừa thuế xuất nhập khẩu trong các trường hợp hoàn tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa.
Cơ quan hải quan ban hành quyết định hoàn tiền thuế xuất nhập khẩu nộp thừa trong thời hạn bao lâu?
Căn cứ khoản 3 Điều 131 Thông tư 38/2015/TT-BTC (được sửa đổi bởi khoản 64 Điều 1 Thông tư 39/2018/TT-BTC) quy định về thủ tục xử lý tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa như sau:
Thủ tục xử lý tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa
…
3. Trách nhiệm của cơ quan hải quan
Cơ quan hải quan nơi phát sinh khoản tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa thực hiện kiểm tra thông qua hệ thống xử lý dữ liệu điện tử, nếu xác định kê khai của người nộp thuế là chính xác thì phản hồi thông tin về việc hồ sơ kê khai đã được chấp nhận cho người nộp thuế. Trường hợp xác định kê khai của người nộp thuế chưa chính xác, cơ quan hải quan phản hồi thông tin từ chối tiếp nhận hồ sơ thông qua Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan.
Trường hợp hồ sơ giấy cơ quan hải quan tiếp nhận, kiểm tra, đối chiếu nội dung đề nghị của người nộp thuế với các quy định của pháp luật về quản lý thuế, nếu xác định không đủ điều kiện hoàn tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa, cơ quan hải quan thông báo theo mẫu số 12/TBKTT/TXNK Phụ lục VI ban hành kèm Thông tư trong thời hạn 08 giờ làm việc.
Trong thời hạn 05 (năm) ngày làm việc kể từ ngày nhận được công văn hợp lệ của người nộp thuế đề nghị hoàn tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa, cơ quan hải quan ban hành quyết định hoàn tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa theo mẫu số 09/QĐHT/TXNK Phụ lục VI và thông báo cho người nộp thuế. Trường hợp không đủ điều kiện hoàn thuế thực hiện thông báo theo mẫu số 12/TBKTT/TXNK Phụ lục VI ban hành kèm Thông tư này.
…
Theo đó, trong trường hợp Công văn đề nghị hoàn tiền nộp thừa thuế xuất nhập khẩu đầy đủ, hợp lệ thì trong thời hạn 05 (năm) ngày làm việc kể từ ngày nhận được công văn của người nộp thuế, cơ quan hải quan ban hành quyết định hoàn tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa và thông báo cho người nộp thuế.
Không hoàn trả tiền nộp thừa thuế xuất nhập khẩu trong trường hợp nào?
Căn cứ khoản 1 Điều 131 Thông tư 38/2015/TT-BTC (được sửa đổi bởi khoản 64 Điều 1 Thông tư 39/2018/TT-BTC) quy định như sau:
Thủ tục xử lý tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa
1. Tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu được xác định là nộp thừa theo quy định tại Điều 47 Luật Quản lý thuế ngày 29 tháng 11 năm 2006 được sửa đổi, bổ sung tại khoản 13 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế ngày 20 tháng 11 năm 2012; điểm a khoản 1 Điều 29 Nghị định số 83/2013/NĐ-CP.
…
Theo đó, tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu được quy định tại Điều 47 Luật Quản lý thuế 2006.
Tuy nhiên, Luật Quản lý thuế 2006 hiện đã hết hiệu lực và được thay thế bởi Luật Quản lý thuế 2019.
Do đó, dẫn chiếu đến Điều 60 Luật Quản lý thuế 2019 có quy định như sau:
Xử lý số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa
…
3. Không hoàn trả số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa và cơ quan quản lý thuế thực hiện thanh khoản số tiền nộp thừa trên sổ kế toán, trên hệ thống dữ liệu điện tử trong các trường hợp sau đây:
a) Cơ quan quản lý thuế đã thông báo cho người nộp thuế về số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa được hoàn trả nhưng người nộp thuế từ chối nhận lại số tiền nộp thừa bằng văn bản;
b) Người nộp thuế không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký với cơ quan thuế, đã được cơ quan quản lý thuế thông báo về số tiền nộp thừa trên phương tiện thông tin đại chúng mà sau 01 năm kể từ ngày thông báo, người nộp thuế không có phản hồi bằng văn bản yêu cầu hoàn trả tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa với cơ quan quản lý thuế;
c) Khoản nộp thừa quá thời hạn 10 năm kể từ ngày nộp tiền vào ngân sách nhà nước mà người nộp thuế không bù trừ nghĩa vụ thuế và không hoàn thuế.
4. Trường hợp người nộp thuế không hoạt động tại địa chỉ đăng ký kinh doanh có tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa và tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt còn nợ thì cơ quan quản lý thuế thực hiện bù trừ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa với số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt còn nợ.
Như vậy, theo các quy định trên thì số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu không được hoàn trả và cơ quan quản lý thuế thực hiện thanh khoản số tiền nộp thừa trên sổ kế toán, trên hệ thống dữ liệu điện tử trong các trường hợp sau đây:
– Cơ quan quản lý thuế đã thông báo cho người nộp thuế về số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa được hoàn trả nhưng người nộp thuế từ chối nhận lại số tiền nộp thừa bằng văn bản;
– Người nộp thuế không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký với cơ quan thuế, đã được cơ quan quản lý thuế thông báo về số tiền nộp thừa trên phương tiện thông tin đại chúng mà sau 01 năm kể từ ngày thông báo, người nộp thuế không có phản hồi bằng văn bản yêu cầu hoàn trả tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa với cơ quan quản lý thuế;
– Khoản nộp thừa quá thời hạn 10 năm kể từ ngày nộp tiền vào ngân sách nhà nước mà người nộp thuế không bù trừ nghĩa vụ thuế và không hoàn thuế.