Khoanh tiền thuế nợ là gì? Người nộp thuế mất tích thì được khoanh tiền thuế nợ trong trường hợp nào?

Khoanh tiền thuế nợ là gì? Người nộp thuế mất tích thì được khoanh tiền thuế nợ trong trường hợp nào? Hồ sơ khoanh tiền thuế nợ đối với người bị Tòa án tuyên bố là mất tích gồm những gì? Trình tự thủ tục khoanh tiền thuế nợ được quy định ra sao?

Khoanh tiền thuế nợ là gì? Người nộp thuế mất tích thì được khoanh tiền thuế nợ trong trường hợp nào?

Hiện nay chưa có quy định cụ thể thế nào là khoanh tiền thuế nợ. Tuy nhiên, có thể hiểu khoanh tiền thuế nợ là biện pháp tạm hoãn nghĩa vụ nộp thuế cho người nộp thuế trong một thời hạn nhất định.

Theo đó, cơ quan quản lý thuế sẽ phối hợp với các bộ phận liên quan để thu hồi số tiền thuế nợ khi người nộp thuế có khả năng nộp và xóa nợ thuế.

*Thông tin trên chỉ mang tính chất tham khảo

Người nộp thuế mất tích thì được khoanh tiền thuế nợ trong trường hợp nào thì căn cứ theo khoản 1 Điều 83 Luật Quản lý thuế 2019 có quy định như sau:

Các trường hợp được khoanh tiền thuế nợ
1. Người nộp thuế là người đã chết, người bị Tòa án tuyên bố là đã chết, mất tích hoặc mất năng lực hành vi dân sự.
Thời gian khoanh nợ được tính từ ngày được cấp giấy chứng tử hoặc giấy báo tử hoặc các giấy tờ thay cho giấy báo tử theo quy định của pháp luật về hộ tịch hoặc quyết định của Tòa án tuyên bố là đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự.

Như vậy, theo quy định, người nộp thuế mất tích thì được khoanh tiền thuế nợ trong trường hợp bị Tòa án tuyên bố là mất tích.

Theo đó, thời gian khoanh nợ đối với người nộp thuế mất tích được tính từ ngày có quyết định của Tòa án tuyên bố là mất tích.

Hồ sơ khoanh tiền thuế nợ đối với người bị Tòa án tuyên bố là mất tích gồm những gì?

Hồ sơ khoanh tiền thuế nợ đối với người bị Tòa án tuyên bố là mất tích gồm những gì thì căn cứ theo khoản 1 Điều 23 Nghị định 126/2020/NĐ-CP quy định hồ sơ khoanh nợ như sau:

Thủ tục, hồ sơ, thời gian khoanh nợ
1. Hồ sơ khoanh nợ
a) Đối với người nộp thuế quy định tại khoản 1 Điều 83 Luật Quản lý thuế: Giấy chứng tử hoặc giấy báo tử hoặc các giấy tờ thay cho giấy báo tử theo quy định của pháp luật về hộ tịch, hoặc quyết định của tòa án tuyên bố một người là đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự (bản chính hoặc bản sao được cấp từ sổ gốc hoặc bản sao được chứng thực).
b) Đối với người nộp thuế quy định tại khoản 2 Điều 83 Luật Quản lý thuế: Quyết định giải thể của người nộp thuế và thông tin về tên, mã số doanh nghiệp, thời gian đăng tải thông tin của cơ quan đăng ký kinh doanh về việc người nộp thuế đang làm thủ tục giải thể trên Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, đăng ký hợp tác xã, đăng ký kinh doanh (gọi tắt là Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký kinh doanh).

Như vậy, theo quy định, hồ sơ khoanh tiền thuế nợ đối với người bị Tòa án tuyên bố là mất tích là bản chính hoặc bản sao được cấp từ sổ gốc hoặc bản sao được chứng thực quyết định của tòa án tuyên bố một người đã mất tích.

Trình tự thủ tục khoanh tiền thuế nợ được quy định ra sao?

Trình tự thủ tục khoanh tiền thuế nợ được quy định tại khoản 3 Điều 23 Nghị định 126/2020/NĐ-CP, cụ thể như sau:

– Đối với các trường hợp được khoanh tiền thuế nợ theo quy định tại Điều 83 Luật Quản lý thuế 2019, khi có đầy đủ hồ sơ quy định tại khoản 1 Điều 23 Nghị định 126/2020/NĐ-CP thì thủ trưởng cơ quan quản lý thuế quản lý trực tiếp người nộp thuế ban hành quyết định khoanh nợ đối với số tiền thuế nợ tại thời điểm bắt đầu của thời gian khoanh nợ quy định tại khoản 2 Điều 23 Nghị định 126/2020/NĐ-CP;

– Trường hợp người nộp thuế đã được cơ quan quản lý thuế ban hành quyết định khoanh tiền thuế nợ mà Tòa án hủy quyết định tuyên bố một người là đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự hoặc người nộp thuế tiếp tục hoạt động kinh doanh thì cơ quan quản lý thuế ban hành quyết định chấm dứt hiệu lực của quyết định khoanh tiền thuế nợ.

Cơ quan quản lý thuế tính tiền chậm nộp đối với người nộp thuế kể từ ngày ban hành quyết định chấm dứt hiệu lực của quyết định khoanh tiền thuế nợ đến ngày người nộp thuế nộp đủ số tiền thuế nợ vào ngân sách nhà nước.

– Trường hợp người nộp thuế đã được cơ quan quản lý thuế ban hành quyết định khoanh tiền thuế nợ, khi đủ điều kiện xóa nợ theo quy định tại Điều 85 Luật Quản lý thuế 2019 thì cơ quan quản lý thuế ban hành quyết định chấm dứt hiệu lực của quyết định khoanh tiền thuế nợ và thực hiện xóa nợ theo quy định.

– Trường hợp người nộp thuế là cá nhân, cá nhân kinh doanh, chủ hộ gia đình, chủ hộ kinh doanh, chủ doanh nghiệp tư nhân và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên đã được khoanh nợ mà cơ quan quản lý thuế phát hiện người nộp thuế đó thành lập cơ sở kinh doanh, doanh nghiệp khác thì cơ quan quản lý thuế ban hành quyết định chấm dứt hiệu lực của quyết định khoanh tiền thuế nợ và thực hiện tính tiền chậm nộp kể từ ngày người nộp thuế được khoanh tiền thuế nợ đến ngày người nộp thuế nộp đủ số tiền thuế nợ vào ngân sách nhà nước.