Mẫu Quyết định cưỡng chế bằng biện pháp thu tiền, tài sản khác của người nộp thuế bị cưỡng chế do bên thứ ba đang giữ là mẫu nào?
Căn cứ theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 36 Nghị định 126/2020/NĐ-CP như sau:
Cưỡng chế bằng biện pháp thu tiền, tài sản khác của người nộp thuế bị cưỡng chế do cơ quan, tổ chức, cá nhân khác đang giữ
…
3. Quyết định cưỡng chế
a) Quyết định cưỡng chế lập theo Mẫu số 06/CC tại Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này, tại quyết định cưỡng chế ghi rõ: Tên, địa chỉ, mã số thuế của người nộp thuế bị cưỡng chế; lý do bị cưỡng chế; số tiền bị cưỡng chế; tên, địa chỉ, mã số thuế của tổ chức, cá nhân đang nắm giữ tiền, tài sản của người nộp thuế bị cưỡng chế; tên, địa chỉ, số tài khoản nộp ngân sách nhà nước mở tại kho bạc nhà nước; phương thức chuyển số tiền bị cưỡng chế đến kho bạc nhà nước.
…
Như vậy, mẫu Quyết định cưỡng chế bằng biện pháp thu tiền, tài sản khác của người nộp thuế bị cưỡng chế do bên thứ ba đang giữ theo quy định là mẫu số 06/CC tại Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định 126/2020/NĐ-CP.
>> TẢI VỀ: Mẫu Quyết định cưỡng chế bằng biện pháp thu tiền, tài sản khác của đối tượng bị cưỡng chế do tổ chức khác đang giữ.
Lưu ý: Quyết định cưỡng chế bằng biện pháp thu tiền, tài sản khác của người nộp thuế bị cưỡng chế do bên thứ ba đang giữ phải được gửi ngay cho những tổ chức, cá nhân sau đây để phối hợp thực hiện:
– Người nộp thuế bị cưỡng chế;
– Bên thứ ba đang nắm giữ tiền, tài sản của người nộp thuế bị cưỡng chế;
– Ủy ban nhân dân cấp xã, cơ quan quản lý thuế quản lý nơi người nắm giữ tiền, tài sản của người nộp thuế bị cưỡng chế cư trú, tổ chức có trụ sở đóng trên địa bàn; hoặc
– Cơ quan nơi tổ chức, cá nhân nắm giữ tiền, tài sản của người nộp thuế bị cưỡng chế công tác.
Quyết định cưỡng chế bằng biện pháp thu tiền, tài sản khác của người nộp thuế bị cưỡng chế do bên thứ ba đang giữ phải được cập nhật trên trang thông tin điện tử của ngành thuế.
Mẫu Quyết định cưỡng chế bằng biện pháp thu tiền, tài sản của người nộp thuế bị cưỡng chế do bên thứ ba đang giữ là mẫu nào? (Hình từ Internet)
Khi nào thì quyết định cưỡng chế bằng biện pháp thu tiền, tài sản khác của người nộp thuế bị cưỡng chế do bên thứ ba đang giữ chấm dứt hiệu lực?
Căn cứ theo quy định tại điểm c khoản 3 Điều 36 Nghị định 126/2020/NĐ-CP như sau:
Cưỡng chế bằng biện pháp thu tiền, tài sản khác của người nộp thuế bị cưỡng chế do cơ quan, tổ chức, cá nhân khác đang giữ
…
3. Quyết định cưỡng chế
…
c) Quyết định cưỡng chế chấm dứt hiệu lực kể từ ngày người nộp thuế đã nộp đủ số tiền thuế nợ bị cưỡng chế vào ngân sách nhà nước hoặc số tiền thuế nợ bị cưỡng chế được cơ quan quản lý thuế ban hành quyết định nộp dần tiền thuế nợ hoặc quyết định gia hạn nộp thuế hoặc quyết định miễn tiền chậm nộp tiền thuế hoặc thông báo không tính tiền chậm nộp. Cơ quan quản lý thuế ban hành quyết định chấm dứt hiệu lực của quyết định cưỡng chế theo Mẫu số 08/CC tại Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này.
…
Như vậy, quyết định cưỡng chế bằng biện pháp thu tiền, tài sản khác của người nộp thuế bị cưỡng chế do bên thứ ba đang giữ chấm dứt hiệu lực trong trường hợp sau:
– Khi người nộp thuế đã nộp đủ số tiền thuế nợ bị cưỡng chế vào ngân sách nhà nước.
– Khi số tiền thuế nợ bị cưỡng chế được cơ quan quản lý thuế ban hành quyết định nộp dần tiền thuế nợ.
– Khi cơ quan quản lý thuế ban hành quyết định gia hạn nộp thuế.
– Khi cơ quan quản lý thuế ban hành quyết định miễn tiền chậm nộp tiền thuế.
– Khi cơ quan quản lý thuế ban hành thông báo không tính tiền chậm nộp.
Bên thứ ba phải nộp thay số tiền thuế bị cưỡng chế trong vòng bao nhiêu ngày?
Căn cứ theo khoản 5 Điều 36 Nghị định 126/2020/NĐ-CP có quy định như sau:
Cưỡng chế bằng biện pháp thu tiền, tài sản khác của người nộp thuế bị cưỡng chế do cơ quan, tổ chức, cá nhân khác đang giữ
…
5. Trách nhiệm của bên thứ ba đang có khoản nợ, đang giữ tiền, tài sản khác của người nộp thuế bị cưỡng chế
a) Cung cấp cho cơ quan quản lý thuế thông tin về khoản nợ hoặc khoản tiền, tài sản khác đang nắm giữ của đối tượng thuộc diện cưỡng chế, trong đó nêu rõ số tiền, thời hạn thanh toán nợ, loại tài sản, số lượng tài sản, tình trạng tài sản.
b) Khi nhận được văn bản yêu cầu xác minh thông tin của cơ quan quản lý thuế thì bên thứ ba không được chuyển trả tiền (bao gồm cả khoản nợ phải thanh toán cho người nộp thuế), tài sản khác cho người nộp thuế bị cưỡng chế cho đến khi thực hiện nộp tiền vào ngân sách nhà nước hoặc chuyển giao tài sản cho cơ quan quản lý thuế để làm thủ tục bán đấu giá tài sản.
c) Trong trường hợp không thực hiện được yêu cầu của cơ quan quản lý thuế thì phải có văn bản giải trình với cơ quan quản lý thuế trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản yêu cầu của cơ quan quản lý thuế.
d) Bên thứ ba đang giữ tiền, tài sản của người nộp thuế bị cưỡng chế phải thực hiện nộp thay số tiền thuế bị cưỡng chế trong thời hạn 15 ngày kê từ ngày nhận được quyết định cưỡng chế. Trường hợp bên thứ ba đang có khoản nợ phải trả người nộp thuế bị cưỡng chế thì thực hiện nộp thay cho người nộp thuế ngay trong ngày khoản nợ đến hạn thanh toán. Trường hợp bên thứ ba không thực hiện nộp thay cho người nộp thuế bị cưỡng chế đúng thời hạn thì bị áp dụng các biện pháp cưỡng chế theo quy định tại khoản 1 Điều 125 Luật Quản lý thuế.
Như vậy, bên thứ ba phải thực hiện nộp thay số tiền thuế bị cưỡng chế trong các thời hạn sau:
– Trong vòng 15 ngày kể từ ngày nhận được quyết định cưỡng chế, nếu bên thứ ba đang giữ tiền hoặc tài sản của người nộp thuế bị cưỡng chế.
– Ngay trong ngày khoản nợ đến hạn thanh toán, nếu bên thứ ba đang có khoản nợ phải trả cho người nộp thuế bị cưỡng chế.
Nếu bên thứ ba không thực hiện nộp thay cho người nộp thuế bị cưỡng chế đúng thời hạn thì sẽ bị áp dụng các biện pháp cưỡng chế theo quy định tại khoản 1 Điều 125 Luật Quản lý thuế 2019.